50 NĂM – NỔI ĐAU CÒN ĐÓ – VẾT THƯƠNG CHƯA LÀNH
(VNTB) – Những người lính miền Nam tưởng rằng Cộng sản sẽ giữ lời hứa... Than ôi! tất cả nạn nhân đã bị lừa gạt để phải trải qua nhiều năm khổ nhọc trong các trại tập trung.
Sau khi chiếm được miền Nam vào tháng Tư năm 1975, Cộng sản đã lập tức tiến
hành nhiều biện pháp để củng cố quyền lực. Một trong những biện pháp đó là đề
ra chính sách cải tạo để lừa gạt và lừa vào các trại khổ sai hàng trăm ngàn cựu
quân nhân, viên chức chế độ cũ ở miền Nam cũng như những nhà trí thức, tu sĩ
các tôn giáo, những người giàu có, và ngay cả những đảng viên Cộng sản mà họ
không còn tin cẩn. Những thành phần nói trên chịu đựng nhiều năm dài và đã có
hàng chục ngàn người bị chết do hành quyết, tra tấn, đói khát, chịu nhiều thứ bệnh
hiểm nghèo, và điều kiện sinh hoạt tồi tệ. Ngay cả gia đình họ cũng bị ngược
đãi, cắt đứt các nguồn sống. Nhà cầm quyền Cộng sản tuyên bố rằng các trại này
là để thay đổi những người chế độ cũ qua sự lao động và giáo dục chính trị.
Trong thực tế, các trại này là những nhà tù lao động khổ sai để giam giữ những
người đối kháng cũ trong một thời gian dài thay vì tàn sát họ như các dư luận
quốc tế từng dự liệu về một cuộc tắm máu vĩ đại sau chiến tranh.
Ngày nay, đã tròn 50 năm qua; nhưng vết thương do những tội ác mà người Cộng sản
gây ra vẫn chưa hề được hàn gắn trong số những nạn nhân và gia đình họ. Người Cộng
sản không chịu nhìn nhận tội ác của họ đã gây ra trong những năm dài kinh hoàng
đó; họ cũng làm ngơ không tiết lộ những chi tiết về các trại khổ sai và con số
người đã chết trong vòng lao lý. Trong khi vẫn hô hào kêu gọi hòa hợp hòa giải
dân tộc, họ vẫn cứ tiếp tục gieo thêm những hạt giống thù hận đối với chế độ cũ
ở miền Nam bằng cách viết lại trang lịch sử chiến tranh theo cách nhìn đầy
thiên vị của họ.
Với kinh nghiệm của một nạn nhân từng bị tù đày trong gần mười năm trong các trại
khổ sai, tôi sẽ trình bày những điều tôi trải qua, biết được để nói lên sự thật
cho nó không bị thế giới lãng quên mà còn phải cùng hợp tác để tránh nó xảy ra
trong tương lai.
Sự Lừa Gạt Vĩ Đại
Từ tháng Năm cho đến tháng Bảy năm 1975, Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn, nhân danh
Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, tổ chức những lớp học ba ngày
dành cho các hạ sĩ quan và binh sĩ quân đội miền Nam. Sau đó, họ triệu tập các
sĩ quan với chương trình hứa hẹn trong 15 ngày dành cho cấp úy, và 30 ngày dành
cho cấp tá và cấp tướng. Đến tháng 8, họ bủa một mẻ lưới cuối cùng kêu gọi tất
cả những cựu quân nhân đi trình diện để theo học những lớp kéo dài trong bảy
ngày.
Trong các thông cáo, họ ghi như sau (xem ảnh):
(1) Sĩ quan (ngụy) cấp đại úy, thiếu tá, trung tá đã được về hưu hoặc giải ngũ;
sĩ quan ngụy cấp đại úy đến đại tá đã được hoãn học tập trong các đợt tập trung
cải tạo từ trước đến nay:
Đúng bảy giờ ngày 20 tháng 8, 1975 phải có mặt tại trường Don Bosco, số 12 đường
Trương Vĩnh Ký, Gò Vấp để học tập trong thời hạn bảy ngày.
(2) Những người đến tập trung phải mang theo giấy bút, quần áo, chăn màn, các đồ
dùng cá nhân, và lương thực, thực phẩm (tiền và hiện vật) đủ dùng trong bảy
ngày kể từ ngày tập trung (ngày đầu mang lương khô ăn; ngày thứ hai trở đi do
nhà thầu cung cấp.)
Ở tất cả các tỉnh thành khác, cũng có thông cáo tương tự.
Những người lính miền Nam hời hợt tưởng rằng chế độ mới sẽ hàn gắn và cho họ sớm
trở lại đời sống mới trong một đất nước thanh bình. Họ tin rằng Cộng sản sẽ giữ
lời hứa! Than ôi, tất cả nạn nhân đã bị lừa gạt để phải trải qua nhiều năm khổ
nhọc trong các trại tập trung.
Trừ một số nhỏ những người có thân nhân là đảng viên cao cấp của đảng Cộng sản,
những người khác đều chịu tối thiểu là ba năm cho đến hàng chục năm tù. Câu nói
thường nghe từ miệng các cán bộ trại tù là: “Các anh sẽ được cải tạo để trở
thành con người mới qua giáo dục, lao động, chấp hành nội qui. Khi nào chứng tỏ
sự tiến bộ, các anh sẽ được trả về với gia đình để cùng xây dựng cuộc sống mới
hạnh phúc.”
Vào giữa năm 1976, Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam công bố chính
sách 12 điểm trong đó ấn định thời gian cải tạo là ba năm. Đến năm 1978, khi tù
nhân thắc mắc về kỳ hạn đã đến, các cán bộ tại trại cải tạo lại giải thích rằng
ba năm chỉ là một cái mốc để trại viên phấn đấu; và những ai không chứng tỏ sự
tiến bộ sẽ bị giữ thêm nhiều mốc nữa.
Ước lượng có hơn một triệu người miền Nam bị giam giữ trong các trại cải tạo ngắn
hạn; hai trăm ngàn người bị giữ ít nhất là một năm cho đến vài chục năm. Tháng
5 năm 1976, báo Nhân Dân đăng lời dối trá của Thủ tướng Cộng sản Phạm Văn Đồng
khi trả lời phóng viên quốc tế rằng “hiện chỉ còn vài ngàn trong trại cải tạo;
là những kẻ ăn gan uống máu theo nghĩa đen”. Trong khi vào năm 1988, Bộ Thông
tin Cộng sản xác nhận có khoảng một trăm ngàn quân nhân và viên chức chính quyền
miền Nam bị giam giữ trong các trại tập trung. Như thế, họ đã lừa gạt nạn nhân
tham dự các lớp cải tạo trong vài tuần và hậu quả là giam giữ người ta trong nhiều
năm dài lao động khổ sai.
Mục Đích của các Trại Tập Trung Cải Tạo
Mặc dù chính quyền miền Nam đã đầu hàng và đất nước đã thống nhất về một mối,
chính quyền Cộng sản vẫn coi người miền Nam là kẻ thù mà sẽ không dễ gì chấp nhận
chế độ của họ. Hơn nữa, sau hơn hai mươi năm chiến tranh, mối thù hận đã bị cấy
sâu vào tâm tư họ. Họ vẫn còn lo sợ những người miền Nam sẽ lập nên những lực
lượng chống đối gây nguy hiểm cho họ.
Cộng sản đã kết án người lính miền Nam tội danh phản bội tổ quốc và là mối nguy
cho nền nội an. Họ không đưa những nạn nhân này ra tòa án để xét xử mà nại lý
do rằng chính sách “cải tạo” là nhân đạo, khoan dung hơn là việc xét xử ở tòa.
Đối với người Cộng sản – từ Liên Xô, Trung Hoa cho đến Việt Nam – chính sách “cải
tạo” là biện pháp thuận lợi nhất để loại bỏ kẻ thù, ít nhất là làm tê liệt sinh
lực và ý chí của họ; cô lập họ khỏi dân chúng và vừa tận dụng sức lao động của
họ. Đó cũng là ngón đòn trừng trị kẻ thù vừa răn đe những ai manh nha chống đối
trong tương lai. Tựu trung, họ vẫn lo ngại những quân nhân miền Nam vẫn còn nhiều
ảnh hưởng trong quần chúng.
Các Trại Cải Tạo
Có hàng trăm trại tập trung được dựng lên ở khắp nước, từ Nam ra Bắc. Một vài
nơi dùng các doanh trại cũ của quân đội miền Nam, còn lại đa số là các trại mới
dựng lên ở các vùng hoang vu bao quanh bởi rừng núi hay giữa lòng thung lũng.
Tôi đã bị giam giữ trong chín năm chín tháng qua nhiều trại khác nhau, mà cuối
cùng là trại A–20 Xuân Phước ở tỉnh Phú Yên. Đây là nơi giam giữ những tù nhân
thuộc thành phần mà Cộng sản đánh giá là cứng đầu và nguy hiểm. Những tù hình sự
là những người bị án chung thân hay tử hình đang chờ ngày hành quyết. Trại A–20
nằm lọt giữa lòng thung lũng Kỳ Lộ, bao quanh bởi ba dãy núi; là nơi mà trong
cuốn Hồi Ký 26 Năm Lưu Đày, Thượng Tọa Thiện Minh mô tả là “Thung Lũng Tử Thần.”
Trong suốt lịch sử của trại, chưa hề có tù nhân nào trốn trại mà không bị bắn
chết hay bị bắt trở lại. Trong chiến tranh, đây là lãnh thổ Liên Khu Năm, cái
nôi của kháng chiến Cộng sản. Vùng này phải cậy vào Quân Đội Nam Hàn để bình định
nhờ các chiến thuật cứng rắn của họ.
Trong ngày đầu tiên đến trại, chúng tôi đã nghe lời đe dọa của trại trưởng Thân
Như Yên: “Các anh sẽ ở đây cho đến mục xương!”
Trại A–20 có năm phân trại là A, B, C, D, và E. Hai phân trại A và E ở cạnh
nhau, gần cơ quan hành chánh của trại. Các trại khác ở xa hơn, mỗi trại cách
nhau vài cây số. Chung quanh khu vực trại là những xóm nhà tí hon, mái lá, vách
đất của nông dân nghèo. Họ là những người tuyệt đối trung thành với Cộng sản.
Ở phân trại E của chúng tôi, có bốn dãy nhà gạch được ngăn cách nhau bằng các
hàng rào kẽm gai. Mỗi nhà chứa bốn hay năm đội; mỗi đội có 30 người. Trên cái nền
bằng xi măng (ở tầng dưới) và bằng gỗ thô (tầng trên), chúng tôi chia nhau mỗi
người một bề ngang chừng hơn bốn tấc; khi ngủ phải nằm nghiêng, hay quay ngược
đầu với hai người bên cạnh. Chừng sáu giờ chiều, sau khi phát phần ăn, tù nhân
bị lùa vào bên trong. Các căn nhà được khoá lại. Mỗi tối, tù nhân phải trải qua
chừng hai giờ để tự kiểm điểm, phê bình bản thân và phê bình những người cùng đội
sau một ngày làm việc để đánh giá ai làm giỏi, ai trây luời, ai có những câu
nói tiêu cực hay chống đối gây ảnh hưởng xấu đến người khác...
Điều Kiện Sinh Hoạt và Lao Động
Đời sống trong trại thật khủng khiếp. Người tù đói triền miên. Hai năm đầu dưới
sự quản lý của bộ đội, thức ăn tương đối khá nhưng gạo lại rất khan hiếm. Sự
khan hiếm này cũng xảy ra ngoài xã hội, không riêng trong trại tù. Bắt đầu là
ăn gạo mục lấy từ các kho mà Việt Cộng cất giấu trong rừng; sau đó là những năm
chỉ có hạt bo bo để ăn. Từ năm 1979 về sau, trại A–20 trồng cây khoai mì làm
lương thực chính. Đây là loại mì H–34 có gốc ở Ấn Độ là nơi mà người ta dùng
tinh bột của nó để chế tạo các sản phẩm polyethylene. Loại mì này có hàm lượng
chất độc Acid Anhydric rất cao có thể gây tử vong nếu củ mì không được ngâm
trong nước và loại bỏ phần lõi và vỏ lụa. Thời gian đầu, Dân biểu Trần Thế Minh
đã chết vì ăn nhiều loại mì này. Mỗi bữa ăn, mỗi người được phát vài lát khoai
mì khô đã luộc; thỉnh thoảng cũng được lưng một chén cơm. Thức ăn thì luôn luôn
là loại nước nấu từ xác mắm pha thêm muối. Rau xanh thì tù nhân trồng nhiều,
nhưng chỉ được ăn khi rau đã già; rửa qua loa trong cái chảo lớn và thường là
còn dính những vụn vãi phân người mà tù nhân dùng để bón rau. Chỉ vào ba ngày lễ
lớn trong năm mà tù nhân có được chút thịt heo mà mỗi miếng chỉ bằng ngón tay
cái, đa phần là da và xương. Một cựu sĩ quan tiểu đoàn trưởng Pháo Binh đã khai
với nhân viên Di trú Mỹ rằng: “Chúng tôi chẳng có gì để ăn! Họ chỉ phát cơm
mỗi tháng một lần. Những ngày khác, chỉ có các loại củ, bắp...”
Tại trại Hà Nam Ninh, liên tiếp trong hai năm, mỗi tuần có khoảng 15 người bị
chết vì đói và các bệnh hiểm nghèo cho đến khi trại phải cho phép tù nhân được
nhận lương thực và thuốc men từ gia đình gửi đến. Trong suốt những năm tù đày,
chúng tôi phải săn nhặt bất cứ thứ sinh vật nào để cho vào miệng; kể cả rắn rết
và côn trùng!
Tình trạng vệ sinh và y tế trong trại tù cũng rất tồi tệ! Tiêu chuẩn chữa trị
cho tù nhân là ở các trạm y tế trại do một y tá hay bác sĩ cũng là tù nhân. Thuốc
men thì chỉ có thuốc nam làm từ các loại lá, rễ. Không hề được cung cấp các thuốc
tê, mê hay giảm đau mỗi khi cần đến nhổ răng hay mổ xẻ. Tù nhổ răng cho bạn bằng
cái đinh hay miếng sắt uốn cong làm đồ nạy. Tù nhân lao động gặp tai nạn gãy
tay chân cũng chỉ được trị trong trại mà không chuyển ra bệnh xá. Ở trại Đông
Giang tỉnh Khánh Hòa, có chừng 100 tù nhân chết vì kiệt sức và thiếu chữa trị.
Chúng ta cần nhớ, trong xã hội Cộng sản, mỗi tầng lớp từ dân thường lên đến đảng
viên, cán bộ cấp huyện, tỉnh, trung ương đảng đều có tiêu chuẩn chữa trị khác
nhau.
Tại Xuân Phước, chúng tôi làm việc từ tờ mờ sáng cho đến chạng vạng tối, dưới sức
nắng chói chang hay trong cơn mưa lũ. Những năm đầu, tù nhân khai hoang vùng rừng
núi để làm đất trồng khoai mì hay các hoa màu khác. Công việc liên tục nhất là
đào các ao nuôi cá, ngay cả giao thông hào quanh trại cũng nói là để nuôi cá!
Các cán bộ đi theo đội đề ra chỉ tiêu cho mỗi người phải đào hàng chục hố rộng
0.5 x 0.5 x 0.5 mét khối để đặt các khúc rễ cây khoai mì. Có trại thì tù nhân
phải đào xới hàng chục mét đất mỗi ngày cho các kênh đào; có nơi phải vào rừng
đẵn các khúc gỗ lớn, tre rừng đưa về trại. Chỉ tiêu này cứ tăng dần theo ngày
tháng; và nếu tù nhân không đạt được thì sẽ không được phép xuống ao tắm rửa
sau một ngày nhễ nhại mồ hôi trên nông trường. Ở nhiều trại tù khác, tù nhân phải
đi làm trên những khu đất trước đó là bãi mìn. Họ không được cấp phát dụng cụ
thích ứng để [tự] bảo vệ. Rất nhiều người bị mìn nổ mất mạng hay mất
tay, chân.
Vào cuối mỗi tháng, các đội sẽ họp chọn bầu những cá nhân lao động với năm hạng:
xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, và kém cỏi. Kết quả của sự bình chọn này sẽ
tiêu chuẩn khoai mì nhiều hay ít của mỗi người trong tháng kế tiếp.
Nói chung, lao động thì cực nhọc, dụng cụ thì tự làm lấy bằng bất cứ thứ gì kiếm
được; và ăn uống thì kham khổ, thuốc men thì thiếu thốn. Tỷ lệ tù nhân chết khá
cao. Các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ ước tính có đến hàng chục ngàn tù nhân đã bỏ mình
trong các trại cải tạo.
Tẩy não
Trong những tháng đầu tiên và sau đó thì mỗi năm vài lần, tù nhân phải kê khai
tiểu sử chi tiết từ lúc còn nhỏ cho đến tháng 4 năm 1975; bản thân và dòng họ
ba đời. Công an Cộng sản rất giỏi trong việc theo dõi, so sánh các bản khai để
tìm ra những điều mà tù nhân còn che giấu hay man khai. Năm 1975, các trại tổ
chức chương trình học kéo dài khoảng ba tháng trong đó những lớp học toàn trại
gồm 10 bài căn bản; mỗi bài kéo dài một tuần vừa nghe cán bộ giảng trên hội trường,
vừa tổ chức thảo luận từng nhóm và ngày cuối tuần là viết bài luận gọi là “bản
thu hoạch.” Chương trình đầu tiên là để tẩy não tù nhân về nhận thức và quan điểm;
làm cho họ phải thấy chế độ miền Nam là phản động, là tay sai của Mỹ nhằm xâm
chiếm Việt Nam; người tù phải nhận thức chế độ miền Bắc là thật sự dân chủ, ái
quốc, và con đường tiến đến chủ nghĩa xã hội là chân lý. Bài viết “thu hoạch”
cuối cùng phải là một bản tổng kết mà tù nhân phải tự đánh giá mình sau khóa học
là đã nhận ra mình có tội với tổ quốc, với đồng bào; phải tự nhận bản án là “tội
đáng chết” và xin được hưởng khoan hồng. Tù nhân phải viết lên những câu ca ngợi
tính nhân đạo độ lượng của nhà nước Cộng sản và hứa sẽ học tập, lao động thật
tích cực để được tiến bộ. Ai cũng phải viết những câu đại khái như thế. Ai cũng
phải nhận mình gây ra tội ác, dù là lính chiến đấu ngoài chiến trường hay lính
làm việc trong các văn phòng; dù là bác sĩ cứu người hay giáo viên chỉ lo việc
giảng dạy. Phải nặn óc cho ra tội ác tưởng tượng nào đó để chứng minh đã thông
hiểu các bài học do cán bộ truyền đạt. Các cán bộ luôn ngồi bên cạnh các nhóm
thảo luận để nhắc nhở rằng có khai báo thành thật thì mới tự chứng minh tiến bộ
để sớm được tha về với gia đình; không tự tìm ra tội có nghĩa là chưa thành thật,
còn ngoan cố, quanh co giấu giếm; tội càng nặng thêm! Điều đau đớn nhất là qua
các đợt thảo luận, với bầu không khí căng thẳng và bức bách, những người lính
miền Nam không những bị cán bộ Cộng sản bêu nhục, mà chính do bạn đồng đội, hay
chính mình nói, viết ra những câu tự bôi nhọ do sự thúc ép, mớm lời của cán bộ
Cộng sản. Tuy nhiên, cũng có nhiều người khôn khéo viết và nói cách chung chung
để né tránh không dùng chủ từ “tôi” hay “chúng tôi” trong những câu thú tội.
Chương trình nhồi sọ kế tiếp là vào năm sau (1976) khi chính quyền Cộng sản
đang thi hành chính sách cải tạo công thương nghiệp miền Nam theo kiểu Cộng sản
là tiến đến công hữu hóa tất cả nền kinh tế; lập các công trường, nông trường,
và hợp tác xã. Tù nhân trong khi học phải viết thư khuyến khích gia đình lìa bỏ
thành phố đi khai hoang các vùng rừng núi để thực hiện kế hoạch “Khu Kinh Tế Mới.”
Sau ngón đòn đổi tiền hai lần đã vét sách hết tài sản dân miền Nam, đây là lúc
họ đuổi dân Nam ra khỏi thành thị để đưa dân miền Bắc vào chiếm ngụ.
Sau đó, các chương trình học tập giảm dần và cũng kém phần sôi nổi so với hai
chương trình đầu tiên. Một điểm mỉa mai đáng nhắc đến là hàng trăm tù nhân mà
trình độ thường cỡ trên trung và đại học phải ngồi xổm trên nền đất để nghe lời
giảng từ các “cán bộ giáo dục” mà trình độ thì chỉ ở cấp tiểu học nói chưa tròn
một câu! Những câu, những lời họ nói ra đều rập khuôn từ sách của đảng từ Nam
ra Bắc, trại nào cũng một kiểu nói, một cách lý luận.
Các hình phạt trong tù
Cuộc tắm máu mà dư luận quốc tế dự đoán đã không xảy ra sau chiến tranh ở Việt
Nam. Tuy nhiên vẫn xảy ra những vụ giết người vô tội vạ trong các trại tập
trung; nhất là các trại vùng đồng bằng Cửu Long, trại Katum, trại Suối Máu. Tù
nhân thường bị bắn tại chỗ vì trốn trại; có người bị bắn tung toé óc vì khai bệnh
không chịu lên hội trường nghe giảng bài. Tù nhân bị trừng trị nếu có thái độ
hay lời nói biểu lộ không tin tưởng vào chế độ, vì né tránh lao động, vì vi phạm
các điều trong nội quy trại. Hình phạt là bị nhốt trong các xà lim hàng tháng
dài. Người tù bị cùm chặt hai gót chân vào một thanh sắt 12 ly có khía ở sát
vách tường. Anh ta chỉ có hai vị thế: một là nằm dài ra, hai là nửa ngồi nửa nằm.
Khi vào xà lim, tù nhân chỉ có trên người bộ áo quần mỏng manh, không dép,
không vớ, không nón hay khăn trùm, chăn đắp. Do đó, vào mùa đông, nhất là ở những
vùng núi rừng khi cơn lạnh xuống đến gần độ âm, người tù chỉ còn cách cuốn mình
lại mà run rẩy chịu đựng. Đã thế, mỗi ngày, anh ta chỉ được phát một lần thức
ăn vào lúc xế trưa gồm hai muỗng cơm chan ngập thứ nước mắm mặn chát và hai muỗng
nước uống. Việc giam giữ có thể kéo dài hàng tháng cho đến khi người tù chỉ còn
là một bộ xương biết cử động. Bản thân tôi bị ba lần nhốt, tổng cộng gần năm
tháng.
Khi còn ở trại Suối Máu, vào mùa hè năm 1977, chúng tôi đã bị nhốt vào một cái
conex của quân đội Mỹ. Cùng chịu chung với tôi là hai anh bạn nữa. Ba người
trong một cái thùng sắt dày bề ngang 1.5 mét, dài 2 mét kín bưng phơi giữa trời
khi nhiệt độ bên ngoài lên tới 40˚C.
Trường hợp tù nhân bị tra tấn hay đánh đập đến chết xảy ra không hiếm. Vào
tháng 10 năm 1979, ở trại Vườn Đào vùng Tiền Giang, tù nhân Quách Dược Thanh đã
bị tên trưởng trại Ba Minh nửa đêm dùng khăn siết cổ đến chết. Lý do: tên Minh
đã không đủ lý luận tranh cãi về vấn đề chính trị với anh Thanh. Cũng ở trại
này, Trung tá Nguyễn Đức Xích, cựu Tỉnh trưởng Gia Định đã bị gạt đến hàng rào
kẽm gai để tên lính gác vu tội mưu trốn trại và bắn chết.
Chấm dứt cải tạo
Năm 1977, chính phủ bắt đầu thả lai rai một số nhỏ những sĩ quan cấp nhỏ có liên
hệ gia đình với các cán bộ Cộng sản. Qua sau năm 1978, họ tiếp tục thả thêm nhiều
đợt những người có chuyên môn mà họ cần dùng như các bác sĩ, nha sĩ. Vào đầu thập
niên 1980, mỗi năm ba lần vào các dịp lễ lớn, nhiều đợt tù nhân được thả về. Tù
nhân khi về đến địa phương phải chịu sự quản chế của công an khu vực thêm một
năm nữa; mỗi tuần họ phải đến văn phòng công an để khai báo những hoạt động như
đi đâu, làm gì, và gặp gỡ ai. Dĩ nhiên họ không được phép ra khỏi thành phố nơi
cư ngụ. Đa số được khuyến cáo phải đưa gia đình đi vùng kinh tế mới. Người công
an phụ trách khu vực có quyền lùng sục vào nhà bất cứ lúc nào và tra vấn cả
thành viên trong gia đình.
Nhiều người tù khi ra về gặp nhiều hoàn cảnh trái ngang gia đình tan vỡ, con
cái bơ vơ thất học. Có những người vợ đã vì cuộc sống mà bỏ đi lấy chồng, thậm
chí lấy những cán bộ Cộng sản. Người cựu tù bị coi là thành phần thấp nhất
trong xã hội, không thể tìm được một công việc theo khả năng mà phải chấp nhận
những việc làm tay chân như đạp xe xích lô, khuân vác, phụ hồ, làm ruộng...
Con cái của nhân viên chế độ cũ dù có khả năng, cũng không bao giờ vào đại học
được. Cộng sản áp dụng gắt gao chế độ truy cứu lý lịch tận ba đời.
Hậu quả về tâm lý
Sức chịu đựng về sinh lý và tâm lý của con người có một giới hạn; vượt trên giới
hạn đó, con người có thể qụy gục hay qui hàng! Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì
để thoát khỏi cực hình này. Rất may, đa số anh em cựu quân nhân miền Nam đã
nghiến răng chịu đựng các cuộc tra tấn, vượt qua nỗi sợ hãi do ở một niềm tin và
lòng trung thành với lý tưởng họ theo đuổi dù trong cơn vô vọng.
Đáng sợ nhất là cơn đói thêm triền miên mà Cộng sản dùng như một phương tiện để
trấn áp, mua chuộc. Có người dễ trở thành xấu xa chỉ vì được thêm một chén
khoai hay chè ngọt. Tù nhân bị cơn đói hành hạ, ám ảnh; lúc nào họ cũng nói về
các món ăn tưởng tượng; cả đến trong giấc mơ cũng thấy ăn.
Anh em chúng tôi thà bị phê loại kém với khẩu phần bị cắt xén hơn là đầu hàng
nghịch cảnh!
Ngày nay, ở bến bờ tự do hàng chục năm sau, nhiều người vẫn trải qua những cơn
ác mộng. Có người thấy mình vẫn còn ngắc ngoải trong các nhà tù chật ních, hôi
hám trong khi vẫn ý thức được mình đang có nhà, có xe ở một thành phố văn minh ở
Hoa Kỳ! Có người lại thường mơ thấy đang bị bủa vây giữa những thi thể đã sình
thúi của bạn đồng tù.
Bài sử không chịu học
Có lẽ đây là sự khác biệt giữa văn minh Tây Phương và Đông Phương, giữa chế độ
Tư bản và chế độ Cộng sản.
Nước Mỹ chấm dứt cuộc nội chiến trong trật tự và hòa hợp hòa giải. Ngày 6 tháng
11 năm 1865, Nam quân đầu hàng Bắc quân. Tướng miền Nam là Robert Lee được tướng
Ulysses Grant đối xử rất tử tế; Tướng Grant ra lệnh cung cấp 25,000 khẩu phần
cho phe bại trận; quân lính miền Nam sau khi giao nộp vũ khí được tự do trở về
nhà mình, đem theo con ngựa (mà trong chiến tranh cũng được coi là vũ khí).
Sau Thế chiến thứ Hai, Hoa Kỳ giam giữ 175,000 tù binh Đức ở New York và
Virginia. Họ được cho ăn ở tươm tất. Một năm sau chiến tranh kết thúc, số tù
binh này được thả về; có một số phải chịu thêm hai năm giam giữ ở Pháp và Anh
là hai nước mà Đức Quốc Xã tàn phá nặng nề. Các quốc gia đồng minh tập trung
vào việc tái thiết hơn là trả thù.
Xã hội văn minh người ta cư xử với nhau như thế đó!
Cuối năm 2004, đánh dấu ba mươi năm sau chiến tranh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt của
Cộng sản Việt Nam đã nói: “... một sự kiện liên quan đến chiến tranh
khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là
vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó
thêm rỉ máu.” Đây có lẽ là một câu nói hiếm hoi từ cửa miệng một lãnh tụ
cao cấp tỏ sự cảm thông với phe cựu thù.
Một cựu Đại tá Cộng sản ở Hà Nội cũng thú nhận khi được phóng viên Trà My phỏng
vấn trên đài RFA ngày 7 tháng 5, 2006: “Tôi thấy có rất nhiều chính sách mà
bây giờ mình mới nhận ra sai lầm. Sau khi thống nhất đất nước, thay vì phải tập
trung vào mặt hòa bình, kiến thiết xây dựng thì lúc đó lại xảy ra những chính
sách không thích hợp... đáng lẽ phải tập trung xây dựng thì lại tập trung vào
chuyện đấu tranh không những đối với phía đối phương mà ngay cả trong nội bộ những
người kháng chiến như chúng tôi cũng bị những sai lầm đó thao túng...”
Người Việt Nam, đặc biệt là người miền Nam chúng tôi vẫn còn chờ đợi nhà cầm
quyền Cộng sản bày tỏ sự ân hận của họ về những tội ác đã gây ra trong chiến
tranh để chúng ta có thể bỏ quá khứ sang bên mà cùng chung tay xây dựng một nước
Việt Nam phú cường.
Đỗ Văn Phúc
Comments
Post a Comment