HAI ỨNG CỬ VIÊN QUÁI DỊ
HAI ỨNG CỬ VIÊN QUÁI DỊ
Tuần rồi, cả thế giới có dịp thưởng lãm bức tranh chính trị quái dị của Đại Cường Cờ Hoa: cả hai ứng cử viên của cả hai chính đảng đều có vấn đề lớn, có thể cả hai sẽ không phải là hai ứng cử viên TT ta sẽ thấy cuối năm nay.
Cụ Biden bị công tố đặc biệt mô tả như một cụ già lẩm cẩm với trí nhớ không còn bao nhiêu, trong khi ông Trump thì đang bị TCPV cân nhắc xem có được ra tranh cử TT hay không vì phạm tội lớn.
Nước Mỹ quả là hết người rồi sao?
Tuần này, ta coi lại cho kỹ câu chuyện cả hai vị.
BIDEN LƯU GIỮ HỒ SƠ MẬT
Cuối cùng thì sau hơn một năm 'âm thầm' làm việc, công tố đặc biệt Robert Hur đã ra báo cáo cuối cùng về việc Biden lưu giữ hồ sơ mật. Kẻ này chưa kịp đọc hết chi tiết khi bản tin này được viết, tuy nhiên, có thể tóm gọn vài điểm chính:
1. Trong khi ông Trump bị truy tố tới đâu 40 tội, thì Biden bị truy tố đúng... zero tội, mặc dù công tố Hur nhận định việc làm của Biden là một 'đe dọa đáng kể cho an ninh quốc gia' ("significant national security threat"). Công tố Hur cho biết không truy tố vì bồi thẩm đoàn sẽ không kết án một cụ già với trí nhớ kém ("elderly man with a poor memory"), kiểu như những người có vấn đề đầu óc luôn luôn không bị kết tội trước tòa.
2. Cách Biden lưu giữ và bảo vệ hồ sơ tối mật an ninh quốc gia là một hành động hoàn toàn vô trách nhiệm "totally irresponsible").
3. Theo ông Hur, cụ Biden đã chia sẽ nhiều tin tức an ninh quốc gia tối mật lấy từ những tài liệu mà cụ nhận được trong tư cách PTT tới nhiều người khác (ghi chú: Biden dùng ít nhất 3 tên giả để gửi emails cho ông con Hunter Biden và các đối tác của Hunter, chia sẻ tin tức an ninh quốc gia quan trọng và bí mật nhất).
4. Công tố Hur cho biết khi phỏng vấn, cụ Biden không thể nhớ lại mình làm PTT năm nào, và ông con Beau Biden chết năm nào. Trong hai cuộc phỏng vấn, cụ Biden hiển nhiên tỏ ra bối rối, vật lộn với trí nhớ, cũng quên nhiều chuyện lắt nhắt khác.
Báo cáo không quan trọng lắm trong vấn đề lưu giữ tài liệu mật, nhưng cực kỳ tai hại cho cụ Biden vì phơi bày ra rõ ràng tình trạng đầu óc đáng sợ của cụ. Công tố Hur nói cho cả nước biết Biden có vấn đề đầu óc lớn. Câu kết luận của công tố Hur không khác gì câu kết của giám đốc FBI James Comey viết về bà Hillary năm 2016: khẳng định bà có tội khi đặt hệ thống emails không ai kiểm soát hay bảo mật tại tư gia, nguy hại cho an ninh quốc gia, nhưng sẽ khó thuyết phục một quan tòa kết tội bà, nên ông Comey không truy tố bà, để dân Mỹ quyết định qua bầu cử, và quả nhiên dân Mỹ đã quyết định: cho bà Hillary về nhà chơi với cháu ngoại. Bây giờ cũng không khác bao nhiêu: Biden không bị truy tố vì sẽ khó thuyết phục một bồi thẩm đoàn kết tội một cụ già lẩm cẩm mất trí nhớ, nên để cử tri quyết định qua bầu cử.
Dân biểu CH, ông Wesley Hunt của Texas đặt câu hỏi: "cụ Biden già, mất trí không thể ra tòa được, mà lại làm TT được sao?".
Đảng DC đang lo xanh mặt, vì báo cáo xác nhận không thể nào rõ ràng hơn là cụ Biden có vấn đề đầu óc cực nghiêm trọng. Kết luận của công tố Hur hại gấp vạn lần việc truy tố Biden ra tòa, vì khi ra tòa, cụ Biden có thể sẽ được một quan tòa Columbia hay Delaware -là những nơi cụ cất tài liệu- hay một bồi thẩm đoàn Columbia hay Delaware tha bổng dễ dàng, để cụ có thể đấm ngực khoe chiến thắng, rất có lợi cho cụ. Báo cáo của ông Hur sẽ khiến cả triệu cử tri suy nghĩ lại khi đi bầu TT trong khi không cho cụ cơ hội đấm ngực khoe khoang chuyện gì.
Tình trạng nguy cấp tới độ cụ Biden đã phải họp báo khẩn cấp bất thần để bào chữa, giải thích cuộc phỏng vấn của công tố Hur xẩy ra đúng một ngày sau vụ Hamas tấn công Do Thái nên đầu óc của cụ bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng quốc tế đó. Nôm na ra, đầu của cụ Biden chỉ lo nghĩ được đúng MỘT chuyện thôi, có hai chuyện xẩy ra là cụ bí đường. Vấn đề là trong nước Mỹ này và trên cả thế giới, luôn luôn có cả trăm cả ngàn chuyện lớn xẩy ra cùng lúc, đầu óc cụ Biden không đối phó nổi hai chuyện thì sao làm TT được?
Cụ Biden cũng bác bỏ một số tố cáo của công tố Hur, nhưng chính CNN đã vạch ngay ra là Biden mới là người nói láo:
- Cụ Biden nói: tất cả các hồ sơ trong nhà cụ đều ở trong tủ có khóa; CNN viết: công tố Hur chụp cả lô hình tài liệu ngổn ngang trong các thùng cạc-tông trong nhà để xe và ngay dưới đất trong phòng làm việc của Biden;
- Cụ Biden khẳng định cụ không giữ tài liệu tối mật nào; công tố Hur cũng chụp cả lô tài liệu có đóng dấu 'tối mật' rõ ràng;
- Cụ Biden khẳng định cụ không hề chia sẻ những tài liệu mật với ai hết, nhưng công tố Hur viết rất rõ là cụ Biden đã chia sẽ tin tức tối mật trong các tài liệu này cho một người viết tiểu sử cụ, để đánh bóng cụ; CNN viết công tố Hur viết báo cáo chính thức tất nhiên có bằng chứng thuyết phục với bộ Tư Pháp.
Khốn khổ thay cho cụ Biden, ngay trong cuộc họp báo bất thần này, cụ Biden lại nói nhầm nữa, như thể cố tình xác nhận công tố Hur nói đúng sự thật: Cụ kể công "TT Mexico, ông al-Sisi đã không chịu mở cửa biên giới, cho phép tiếp tế nhân đạo, tôi phải nói chuyện với ông ta nên ông ta mới chịu". Thiệt là khổ: ông tướng al-Sisi là TT Ai Cập, không phải TT Mễ. Chẳng ai hiểu cụ nói chuyện biên giới Mễ-Mỹ với TT Mexico, hay biên giới Ai Cập-Do Thái với TT Ai Cập.
Cuộc họp báo bất thần đã là một đại họa. Trang mạng PJ Media giải thích vì họp báo lúc 8g tối, quá khuya với cụ Biden khi bình thường cụ phải đi ngủ muộn nhất là 7g tối. Quá khuya nên đầu óc kém minh mẫn, trí nhớ lủng củng mạnh hơn. Nhất là họp báo bất thần, không có chuẩn bị trước, không có 'thầy dùi' viết sẵn câu trả lời cho cụ đọc.
Riêng về chuyện quên ông con chết khi nào, cụ Biden đã nổi giận la hét "How the hell dare he?", rồi tố ông Hur nói láo. Vì trí nhớ kém, cụ Biden lại quên mất cuộc phỏng vấn chính thức có mặt ít nhất vài ba luật sư của cả hai bên, và được chính thức thu âm làm tài liệu, sao ông Hur nói láo được?
Các đồng minh của Biden đã mau mắn bảo vệ cụ, công kích công tố Hur là thành phần MAGA, quên bẵng chuyện công tố Hur do chính bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland chọn và bổ nhiệm. Họ cũng công kích ông Hur không có lý do gì mang chuyện đầu óc cụ Biden ra bàn, nhưng bộ Tư Pháp cho biết ông Hur cần mang chuyện đầu óc cụ Biden ra để biện minh cho việc ông không truy tố cụ. Trong hai cuộc phỏng vấn, cụ Biden đổ thừa cụ 'quên', không nhớ đã mang những tài liệu mật về nhà, để tự bào chữa. Do đó, ông Hur bắt buộc phải bàn về chuyện hay quên của cụ để biện minh cho việc không truy tố cụ. Nếu cụ đóng tuồng 'quên' để che dấu tội của mình trong cuộc phỏng vấn, thì có nghĩa là công tố Hur đã dùng gậy của cụ để đập lưng cụ. Nếu không viện cớ cụ hay quên, thì ông Hur không có lý do gì không truy tố cụ Biden như công tố Smith đã truy tố Trump. Trên căn bản, có hai lựa chọn: một là truy tố Biden, hai là viện cớ cụ già hay quên nên tha cho cụ vì không ai muốn truy tố một cụ già lẩm cẩm, có vấn đề đầu óc. Ông Hur đã chọn giải pháp sau.
Tình trạng đầu óc cụ Biden như thế này thì còn bầu bán gì nữa?
[Trong hai ngày từ khi báo cáo được công bố tới khi DĐTC được post lên khuya Thứ Sáu, trên hệ thống emails của cộng đồng tị nạn, đã tuyệt nhiên không thấy có một cái email nào của đám vẹt loan tin này. Trốn đâu hết rồi, các cụ? Mắc nghẹn nói không ra lời? 😀😀😀]
TCPV VÀ SỐ PHẬN CỦA TRUMP
Tuần rồi, Tối Cao Pháp Viện đã bắt đầu phiên họp khẩn cấp đặc biệt để cứu xét một vụ kiện tụng chưa từng xẩy ra trong lịch sử hơn ba trăm năm của xứ Mỹ này. Chưa rõ chừng nào TCPV mới ra phán quyết cuối cùng, nhưng sẽ rất sớm, có thể trong một hai tuần tới. Vụ kiện liên quan đến quyết định của Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang Colorado, không cho ông Trump ghi tên tranh cử TT trong tiểu bang này, dựa trên Tu Chánh Án 14 (TCA) của Hiến Pháp liên bang, theo đó bất cứ một viên chức nào đã tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp mà lại có hành động nổi loạn chống nước Mỹ, sẽ không được đảm nhận bất cứ chức vụ công quyền nào. Một vụ án cực kỳ rắc rối vì Hiến Pháp không ghi rõ, trong khi chưa từng xẩy ra trước đây, do đó, không có án lệ nào để phỏng theo.
Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng với những hậu quả xa khó ai tưởng tượng nổi.
Nhìn đường gần, phán quyết của Colorado chẳng có hậu quả gì quan trọng trong cuộc bầu TT cuối năm nay. Colorado là tiểu bang xanh lè sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng DC bất kể ai, chống ứng cử viên CH bất kể ai luôn. Nghĩa là ông Trump có bị TCPV tiểu bang loại ra hay không cũng chẳng khác gì, Biden sẽ chiến thắng tại Colorado.
Nên nhớ rõ, phán quyết của Colorado -cũng như của Maine- là chỉ không cho Trump ghi danh tranh cử sơ bộ trong đảng CH trong tiểu bang thôi, còn bầu cử TT cuối năm nay là chuyện khác. Nếu Trump đắc cử đại diện đảng CH trong Đại Hội Đảng, thì tiểu bang vẫn phải chấp nhận ông ra tranh cử TT cuối năm nay trong tiểu bang.
Thế nhưng, nhìn đường xa, phán quyết của TCPV Colorado nêu ra một vấn đề cực kỳ quan trọng trong cuộc bầu TT Mỹ mà Hiến Pháp không viết rõ ràng: trong cuộc bầu TT liên bang, một tiểu bang có quyền loại một cử tri hay cấm một cử tri ra tranh cử viện một lý do nào đó, bất kể lý do chính danh và hợp pháp hay không?
- Bối cảnh câu chuyện
Một nhóm cử tri chống Trump trong tiểu bang Colorado kiện ông Trump ra tòa, cho rằng ông không có quyền ghi tên ra tranh cử TT trong tiểu bang vì ông Trump đã vi phạm tội 'nổi loạn' chống nước Mỹ. Mà theo Điều III của TCA 14 của Hiến Pháp liên bang, bất cứ một viên chức -officer- nào của Nhà Nước đã tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp mà lại nổi loạn chống nước Mỹ, thì sẽ không được quyền ra tranh cử bất cứ chức vụ nào trong chính quyền liên bang hay tiểu bang, hay nếu có đắc cử cũng không được nhận chức. Qua nhiều lớp tòa trong tiểu bang, vụ kiện cuối cùng đã phải lên tới cấp TCPV của tiểu bang Colorado để giải quyết. Ở đây, các thẩm phán ra phán quyết ông Trump KHÔNG được ghi danh ra tranh cử TT trong tiểu bang dựa trên TCA trên. Nhưng các thẩm phán cũng ghi nhận phán quyết cuối cùng phải do TCPV liên bang ban hành vì TCPV liên bang mới là cơ quan tối cao quyết định về một vấn đề liên quan đến Hiến Pháp liên bang. Ngay sau khi TCPV tiểu bang cấm ông Trump ghi danh, ông này đã mau mắn khởi kiện lên tới TCPV liên bang.
Phải nói ngay cho rõ, những vụ kiện tương tự nhằm cản ông Trump ra tranh cử nhân danh TCA 14 đã xẩy ra trong đâu hơn một tá tiểu bang, và các tiểu bang đã có những quyết định khác nhau, không thuần nhất. Có tiểu bang lấy quyết định qua bộ trưởng Nội Vụ -State Secretary- của tiểu bang, trong khi có tiểu bang đòi hỏi phải là quyết định của một tòa án. Về phán quyết thì đã có những tiểu bang bác bỏ việc cấm ông Trump, nên cho phép ông Trump ghi danh tranh cử như bình thường. Cũng có tiểu bang đã cấm ông Trump như Colorado và Maine.
- Nguyên nhân tranh cãi
Những quyết định cản hay không cản ông Trump ra tranh cử có nguyên nhân hiển nhiên: trước tất cả các thăm dò cho thấy ông thần Trump sẽ đè bẹp cụ lẩm cẩm Biden trong cuộc bầu cử cuối năm nay, 'phe ta' cuống cuồng tìm đủ cách cản Trump. Chính quyền Biden dùng hệ thống tư pháp, các quan tòa và công tố đủ cấp, cả FBI, để tìm cách nhốt Trump vì phạm đâu cả trăm tội cuội, hay ít nhất bôi bác tên tuổi Trump. Nhưng sách lược này rõ ràng đang thất bại nặng, càng tố Trump thì hậu thuẫn của Trump càng lên cao. Một số tiểu bang sáng tạo, nghĩ đến cách dùng TCA để chặn Trump. Dưới đây là nguyên văn tiếng Anh của Điều 3 của Tu Chánh Án 14 của Hiến Pháp:
"No person shall be a Senator or Representative in Congress, or elector of President and Vice-President, or hold any office, civil or military, under the United States, or under any state, who, having previously taken an oath, as a member of Congress, or as an officer of the United States, or as a member of any State legislature, or as an executive or judicial officer of any State, to support the Constitution of the United States, shall have engaged in insurrection or rebellion against the same, or given aid or comfort to the enemies thereof..."
TCA đã được thêm vào Hiến Pháp sau khi nội chiến chấm dứt, nhưng phe Nam Quân không chịu thua hẳn, tìm cách cài người vào hệ thống hành chánh, cũng như vào quốc hội để mưu toan việc tách rời khỏi liên bang nữa. Do đó, để cản đám này, liên bang mới ra TCA này. TCA chưa bao giờ được viện dẫn ra để loại trừ một ứng cử viên TT.
Một lần nữa, xin nhắc lại, các tiểu bang đã có những quyết định không thuần nhất chỉ vì ngôn ngữ của TCA không rõ ràng, ít nhất ở vài điểm:
- không định nghĩa thế nào là 'nổi loạn' -insurrection- và ai là người có quyền quyết định ai phạm tội nổi loạn?
- không định nghĩa rõ ràng 'officer' nghĩa là gì, có bao phủ chức vụ tổng thống hay không?
- TCA nêu ra một số chức vụ bị cấm, nhưng trong đó lại không trắng đen ghi rõ hai chức vụ TT và PTT, thế thì có phải TCA cố tình nhấn mạnh TCA không áp dụng vào TT và PTT không?
Trong cảnh rối bù này thì dĩ nhiên, cần phải có phán quyết của TCPV liên bang, là cơ quan cuối cùng có quyền diễn giải Hiến Pháp liên bang. Và đó là lý do tại sao TCPV liên bang đã chấp nhận có phiên xử khẩn cấp và bất thường của tuần rồi.
- Lập luận của hai bên
- Rắc rối của vấn đề
Những lý luận đối nghịch trên, quan trọng tới mức có thể xoay chuyển kết quả bầu cử, chấp nhận hay không chấp nhận cho một ứng cử viên nào đó, trong trường hợp hiện nay, là chuyện cho hay không cho ông Trump ra tranh cử. Mà cái đáng nói là ông Trump không phải là một anh công dân bình thường nào, mà lại là ứng cử viên TT hàng đầu của đảng đối lập, cho tới nay, đã được tuyệt đại đa số cử tri của đảng CH bầu làm đại diện tại 4 cuộc bầu (Iowa, New Hampshire, Nevada và Virgin Islands), đang được hậu thuẫn mạnh đến độ nếu tranh cử, có nhiều triển vọng thắng, hạ đương kim TT để trở thành TT. Nghĩa là phán quyết của TCPV có thể thay đổi người sẽ ngồi trong Tòa Bạch Ốc trong 4 năm tới. Một cách cụ thể, có thể nói TCPV sẽ phải lấy một quyết định mang tiếng là tư pháp, nhưng lại có hậu quả chính trị khổng lồ. Câu hỏi đặt ra là TCPV có quyền lấy một quyết định chính trị quan trọng tới mức đó không?
Năm 2000, TCPV liên bang đã can thiệp vào cuộc đếm phiếu, đưa đến chiến thắng của thống đốc Bush con, thắng PTT Al Gore, sau đó, TCPV đã bị công kích kịch liệt. Nhưng dù sao thì quyết định của TCPV khi đó chỉ có hậu trên đúng một cuộc bầu giữa hai ông Bush con và Gore. trong khi phán quyết lần này của TCPV sẽ có ảnh hưởng lớn vĩnh viễn trên tất cả các cuộc bầu TT trong tương lai.
Chất vấn vai trò của TCPV là một chuyện, nhưng đừng quên xứ Mỹ là xứ pháp trị, nghĩa là theo luật lệ, mà cơ quan tối cao về chuyện luật lệ, chính là TCPV liên bang, nên tất nhiên TCPV có quyền lấy mọi quyết định pháp lý, bất kể hậu quả chính trị, bất kể dân Mỹ chấp nhận hay không.
2. Hậu quả của phán quyết của TCPV
- Thực tế đang xẩy ra
Comments
Post a Comment