Tòa án đặc biệt về tội xâm l ăng của Nga
Tòa án đặc biệt về tội xâm lăng của Nga: Con đường còn dài
Một văn phòng quốc tế đặc trách điều tra về tội ác “xâm lược” Ukraina đã được mở tại La Haye, Hà Lan, ngày 03/07/2023. Đối với Kiev, đây là một bước đầu tiên mang tính “lịch sử” tiến tới việc thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử các lãnh đạo của Nga. Nhưng từ đây cho đến khi lập được một tòa án như vậy, con đường sẽ còn rất dài.Từ trái qua : Công tố Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan, ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp Didier Reynders, chủ tịch Eurojust và các thẩm phán Ukraina trong cuộc họp báo tại La Haye, Hà Lan, ngày 03/07/2023. AP - Peter Dejong
Thanh Phương
Với tên gọi chính thức là Trung tâm quốc tế về truy tố tội ác xâm lược Ukraina, văn phòng điều tra này quy tụ các công tố viên của Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và của Tòa án Hình sự Quốc tế. Hoạt động giống như một viện công tố, trung tâm có nhiệm vụ điều tra và thu thập các bằng chứng để xác định các trách nhiệm về dân sự và quân sự trong cuộc xâm lược của Nga.
Theo định nghĩa của Tòa án Hình sự Quốc tế, với cáo buộc tội ác xâm lược, tòa có thể đưa ra xét xử các lãnh đạo của quốc gia xâm lược, tương tự như khái niệm “tội ác chống hòa bình” đã được sử dụng trong các phiên tòa Nuremberg và Tokyo sau khi kết thúc Thế chiến Thứ hai.
Đối với chưởng lý Ukraina Andrey Kostin, trung tâm này lấp “một chỗ trống thật lớn về trách nhiệm của tội ác xâm lược”, bởi vì Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ có thể xét xử tội ác này nếu quốc gia bị cáo buộc là quốc gia ký kết Quy chế Roma. Đây là văn bản dẫn đến việc thành lập tòa án này vào năm 2002. Trong khi đó, tuy đã ký, Nga chưa bao giờ phê chuẩn Quy chế Roma, thậm chí vào năm 2016, tổng thống Putin đã rút lại chữ ký của nước Nga.
Theo lời chưởng lý Kostin, việc mở văn phòng nói trên là một tín hiệu rõ ràng cho thấy “thế giới nhất trí và kiên quyết buộc chế độ Nga phải chịu trách nhiệm về những tội ác của họ”.
Chưởng lý Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan hôm đó cũng xem việc mở Trung tâm quốc tế về truy tố tội ác xâm lược Ukraina là “một ngày quan trọng”, nhấn mạnh rằng đây là “lần đầu tiên” mà các bằng chứng về tội ác chiến tranh đã được thâu thập ngay giữa lúc xung đột đang diễn ra.
Kể từ khi tổng thống Putin ngày 24/02/2022 phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước láng giềng Ukraina, ngày càng có nhiều người kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt về cuộc chiến tranh này. Trước mắt, Tòa án Hình sự Quốc tế vào tháng 3 vừa qua đã phát lệnh bắt giữ tổng thống Putin bị cáo buộc đã đày nhiều trẻ em Ukraina sang Nga.
Nhưng một số đồng minh của Kiev lo ngại là việc thành lập một tòa án đặc biệt về chiến tranh xâm lược Ukraina không chắc là sẽ nhận được sự ủng hộ đầy đủ tại Liên Hiệp Quốc. Một số nước chủ trương nên lập một tòa án hỗn hợp, tức là quy tụ các thẩm phán Ukraina và thẩm phán từ nhiều nước khác. Có những nước đề nghị lập một tòa án quốc tế đặt trụ sở tại La Haye. Các thành viên trong nhóm G7 sẽ phải quyết định chọn giải pháp nào là tốt nhất để xét xử các lãnh đạo Nga.
Trong khi chờ ngày ra đời một tòa án như vậy, theo lời ủy viên châu Âu về tư pháp, Didier Reynders, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm cho các bằng chứng về tội ác xâm lược của Nga được lưu giữ an toàn và các cuộc điều tra có thể bắt đầu trong các khuôn khổ pháp lý hiện có.
Cũng như Nga, Ukraina hiện chưa ký Quy chế Roma, nhưng Kiev đã tỏ ý định tham gia và Quốc Hội nước này đã thông qua luật cho phép Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra về tội ác xâm lược của Nga. Còn Hoa Kỳ tuy cũng chưa ký Quy chế Roma, nhưng ủng hộ việc thành lập một tòa án quốc tế xét xử các lãnh đạo Nga và hợp tác với các cuộc điều tra hiện nay.
Comments
Post a Comment