CÁI LỀU VẢI BẠT




" Kìa ! Em có thấy gì bên đường không?  "

Theo lời chồng, tôi đảo mắt nhìn xuống cạnh đường , thoắt ẩn thoắt hiện sau vài bụi rậm có một vài cái lều , loại dành cho người đi cắm trại mà người homeless dùng để trú lạnh qua đêm .

  Xe vừa trờ thêm một đoạn đường nữa thì trước mắt tôi là một tấm bạt cũ kỹ màu xanh nước biển đục lờ nhờ dúm dó  chênh vênh bên bức tường ngăn cách khu dân cư và xa lộ .

   Đó là một "Mái nhà" ! bồng bềnh ngã nghiêng đang run rẩy như van nài,  cầu cạnh bức tường một sự che chở được yên bình.

  Trời đất ơi !

Tôi thảng thốt giật mình,  sao mà nó không khác gì cái tấm lều năm xưa mà má tôi dựng lên làm " mái nhà "cho đàn con lúc nhúc như đám bọ có được chút tạm yên ổn ! khi đã bị bên thắng cuộc trong cái ngày  uất hận 30 tháng 4  tống ra  khỏi mái nhà thân yêu.

   Má tôi lúc đó là một sản phụ yếu đuối bất lực ôm đứa con mới đẻ kéo lê một đám con nửa chục ra đi trong vô vọng.

   Nước mắt ứa nhòa , tôi kêu lên "Má ơi !"


Thế là tôi nức nở, làm chồng tôi hốt hoảng bối rối.


Anh à ! em sẽ kể cho anh biết rõ ngọn ngành. Từ đó đến bây giờ em đã câm nín không muốn nhớ vì sợ mình thêm đau đớn.

    Ngày ba ra tù trở về , em cũng chưa kịp kể điều thống khổ này cho ba em nghe , để má bớt đau buồn u uẩn . Không biết nơi cửu tuyền má em đã được yên tâm mỉm cười chưa?

Em cũng chưa kể lại cho những đứa con của mình nay đã khôn lớn hiểu rõ khúc nôi mà mẹ nó gánh chịu vì biến cố  khủng khiếp của lịch sử nước mình.


Ngày ấy ... .  Vào những ngày trước cái ngày nghiệt ngã  30 /4/1975 là chuỗi dài trong hoang mang lo sợ  , ngày nào má tôi cũng van cầu trời cao ban phước lành cho những đứa con bé bỏng được bình an không bị trúng đạn pháo kích của bọn cộng sản rớt vô trường học, hay tan xác trên đường về nhà. Những giờ học căng thẳng , mặt lơ láo của đám học trò lúc nào cũng đăm đăm nhìn vào thầy cô giáo chờ mệnh lệnh " nằm xuống!"  hay " chạy đi !"

Ai còn ở tuổi học trò vào năm ấy thì không thể nào quên những tiếng gầm rú đinh tai , họ cũng như tôi đã khiếp sợ hãi hùng  khi tận mắt thấy một khối lửa rừng rực réo u u lơ lửng trên đầu  . Ai cũng biết ngày biến cố lịch sử này , nhưng nếu đã từng sống và chứng kiến thấy được  cảnh đau thương hỗn loạn của Saigon giãy chết thì càng đau càng nhức nhối nhiều gấp bội !

   Saigon oằn lưng hứng chịu đầy thương tích những trái đạn nổ lổ chổ .  Saigon rung chuyển từng hồi còi hụ báo động giờ giới nghiêm ... Tất cả như ngưng thở !Chiếc radio lúc đó là bửu bối để nhà nhà đều mở ra nghe ngóng tình hình suốt 24/24.

Ôi !  tràn ngập tin tức chiến sự khắp nơi đang là mũi dao sắc cứa vào cổ của người dân , đâm vào tim của người Mẹ ngóng tin đứa con trai là lính trận đang anh dũng chiến đấu với giặc , hay nỗi niềm đau đáu hồi hộp của người vợ đang ngóng chờ tin tức chồng nơi sa trường xa xôi.

   Ba tôi một công chức của Phủ Tổng Thống, hầu như không về nhà , phải túc trực ở nơi làm việc...

  ... Đến sáng ngày 29 tháng 4  má tôi được tin ba nhắn về  bảo " chạy đi "....

Má tôi kêu đám con chạy ra khỏi nhà hướng về Tòa Đại sứ Mỹ ...

Tới nơi thì đã có một số người đứng trước đầy ở cổng . Chờ và Đợi ! ... đến chiều thì người dân Saigon đã thật sự hốt hoảng nháo nhào , họ bắt đầu chen lấn trèo qua hàng rào, tiếng la tiếng khóc , rồi những bá súng của người Mỹ giữ an ninh đập mạnh vào những bàn tay đang bấu vào hàng rào, hoặc đẩy những con người đang đong đưa trên cột điện trước cổng cố tìm cách vào. Tiếng phi cơ xoành xoạch rền vang trên nóc nhà của tòa Đại sứ...

Rồi ... chúng tôi ngã quị , ho sặc sụa ! các đứa em tôi gào thét... vì nghẹt thở bởi luồng khí cay xé mắt mũi.  Má tôi vội lôi chúng tôi đứng dậy và ra mệnh lệnh rằng:

" Có chết thì chết cả nhà ,  chứ chạy ra nước ngoài mà kẻ đi người ở phân ly sao đành "

vì ba tôi đang còn ở lại nhiệm sở và người anh đang đóng quân nơi xa..

Cho tới... ít ngày sau đó má tôi mang cái bụng bầu lặc lè bước thấp bước cao bịn rịn tiển biệt chồng và con gái đầu đi " học tập cải tạo.


Vang vang đâu đó lời của ba tôi trấn an chúng tôi " Tuần sau ba sẽ trở về"

Ôi!  là bao lâu?  Ba , chị và anh mất hút. Suốt thời gian sau đó bặt vô âm tín không tin tức chồng con mà má tôi cũng không có cách nào khác mà đi tìm khi trước mắt là những cái mỏ của đàn chim non đang chiếp chiếp ngoác ra vì đói.

Mà cũng làm sao được khi đám chúng tôi cũng bị đuổi ra khỏi nhà , cho dù má tôi khẩn khoản xin nương náu thêm thời gian chờ ngày sinh nở nhưng hàm ý chờ tin chồng con về..

Ngày mà đám công an mặc quần đen áo màu lá úa tràn vào nhà chúng tôi,  ngồi chồm hỗm mang cả dép râu trên cái ghế bọc nệm mà thuyết giảng là nhà chúng tôi là ngụy...cha là ngụy quyền , con là ngụy quân nên nhà phải trả lại cho ...nhân dân.

Chính sách xã hội khoan hồng cho má tôi điều kiện" ưu tiên" hàng đầu là được cấp đất trên vùng Kinh Tế Mới...

Má tôi đã nói KHÔNG đi Kinh tế mới, để rồi năm sau đó đám con thơ cùng má phải ngậm ngùi sống đời Homeless dưới tấm bạt màu xanh nước biển , để chờ được cấp giấy phép đi đường và được... xúc lên xe như đám gia cầm  trên chiếc xe than đi ĐOÀN TỤ bà ngoại của tôi ở Tây Ninh.

   Được ở bên mẹ là điều hạnh phúc ! cho dù phải chịu sống màn trời chiếu đất  mà còn được sống trong vòng tay mẹ. Má tôi như là con gà mái quyết tử bảo vệ lũ gà con khỏi nanh vuốt bọn diều hâu  , chúng tôi an toàn  núp trong lòng mẹ , nếu không thì đã chết rũ ở vùng đất sỏi khô cằn nào đó.  Vậy mà lúc đó tôi đã đau khổ ngại ngùng biết bao khi các bạn học thay phiên đem tới cho từng gói xôi , và run rẩy nhận cái bánh chuối chiên từ cô bạn thân là một Hướng Đạo Sinh đã cố gắng tìm ra được " mái lều xanh "  của má tôi nằm tội nghiệp trong cái sân biệt thự của ai đó, nơi đã bị bộ đội chiếm cứ.

Mái nhà bằng tấm mũ cao su có màu xanh mang niềm hy vọng nhưng lại là điềm báo tử của má và của gia đình chúng tôi , mở đầu cho kiếp sống tận cùng đau khổ của má, để ngày ba tôi trở về sau tháng năm đi tù cải tạo thì má tôi cũng tắt lịm nổi hy vọng mà nằm sâu trong lòng đất lạnh.
  Căn lều tồi tàn ảm đạm ngày đó như sự bắt đầu một tương lai tăm tối
Cũng lại là trang mở đầu nổi thống khổ của anh chị em tôi lênh đênh bèo giạt mây trôi .

Và của một kiếp người mất Nhà , Mất cả Tổ Quốc./.


Bạch Phụng

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất