Tường trình sơ khởi về buổi hội thảo “1969 Vietnamization and The Year of Transition in the Vietnam War”
Buổi hội thảo diễn ra tại thành phố Lubbock Texas Từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 4 năm 2019 do
Vietnam Center & Archive, Texas Tech University và Institute for Peace & Conflict, Texas Tech
University tổ chức và điều hành.
Dù chỉ diễn ra trong không đầy ba ngày nhưng cuộc hội thảo bao gồm tới hơn 70 bài tham luận do gần một trăm diễn giả đến từ Mỹ, Việt Nam và các nước khác. Đây là một sinh hoạt hàng năm của Vietnam Center đã được tổ chức từ nhiều năm qua, nhưng nghe nói các năm trước không có nhiều người từ phía cộng đồng tị nạn cộng sản Việt Nam tham dự.Đây là lần đầu tiên có số người tham dự từ phía cộng đồng tị nạn cộng sản Việt Nam lên tới hơn 20 người bao gồm một số đáng kể diễn giả và tham luận viên. Số còn lại tuy là thính giả nhưng nhiều người cũng tích cực tham gia vào việc đặt câu hỏi và phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của đối phương và làm sáng tỏ chính nghĩa của Việt Nam Cộng hòa và trả lại danh dự cho các chiến sĩ Việt Mỹ tham chiến tại Việt Nam.
Vì đây là lần đầu tiên vợ chồng tôi tham dự sinh hoạt này nên chúng tôi chỉ dám có ý kiến Về cuộc hội thảo năm nay. Nói chung, cuộc hội thảo được tổ chức chu đáo, nghiêm chỉnh, các diễn giả và tham luận viên đều có thái độ ôn hòa, tương kính, dù đôi khi lập trường của một số người có khuynh hướng thiên vị cho phía phản chiến Mỹ và phía cộng sản VN. Vì có nhiều bài thuyết trình diễn ra cùng một lúc tại nhiều phòng họp khác nhau nên chúng utôi chỉ có khả năng dự phần thảo luận và phản biện ở khoảng 10 đề tài thuyết trình mà thôi.
Ngay trong buổi Chào Mừng diễn ra chiều ngày 25/4, các diễn giả đã giới thiệu và quảng cáo cuốn sách The Crooked Bamboo (Cây Trúc Cong Quẹo) của Nguyễn Thái, có nội dung phê phán chỉ trích Cố TT Ngô Đình Diệm. Vì chưa phải là một đề tài thảo luận nên không có phần đặt câu hỏi. Dù vậy, phía người Việt tỵ nạn cũng tự hỏi với nhau tại sao họ lại làm như vậy ngay trong buổi chào mừng?
Sáng ngày 26/4, trong khoá sinh hoạt chung (plenary session), ba giáo sư sử học người Mỹ trình bày và tham luận đề tài “Writing the History of the Vietnam War: A Retrospective” khá khách quan, nhưng khi được hỏi về ảnh hưởng của các giáo sư sử học mạo danh cựu chiến binh Mỹ để lừa dối sinh viên và dư luận Mỹ trong hàng chục năm trước khi bị lột mặt nạ, như trường hợp của Joseph J Ellis tại Mount Holyoke College, một sử gia rất danh tiếng, được giải thưởng Pulitzer, thì các diễn giả đều nói họ không biết vụ tai tiếng này.
Đề tài “Surviving The Vietnam War and Its Aftermath” của cựu Nữ Phóng Viên Chiến Trường Vũ Thanh Thuỷ, điều hợp bởi Ông Hoàng Đức Nhã, Cựu Cố Vấn của Tổng Thống và Cựu Tổng Trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi VNCH, rất hấp dẫn và cảm động.
Buổi chiếu Phim Vietnamerica tuy số người tham dự không nhiều nhưng các khán giả Mỹ và Canada
đều chăm chú theo dõi rồi nêu câu hỏi và bình luận rất tích cực đồng thời cám ơn các nhà làm phim đã giúp họ hiểu thêm về cuộc hành trình gian khổ, đầy chết chóc, máu và nước mắt của người Việt tỵ nạn cộng sản.
Session 5 D của ngày Thứ Bảy, 27 tháng 4: “Pacification, CORDS and the Military Advisory Effort” gồm ba bài thuyết trình của ba diễn giả, tất cả đều tỏ ra trung thực, công bằng nhưng bài “1969: The Central Year for Mobile Advisory Team and the US Army’s Advisory Effort in the Vietnam War” của cô Uyên Nguyễn, PhD candidate at Texas Tech University nhận được nhiều lời khen ngợi nhất từ mọi phía dù cô là sinh viên du học từ Việt Nam. Cũng nên nói thêm rằng trong bữa banquet của đêm Thứ Sáu, cô Uyên đã nhận được một học bổng đặc biệt. Xin chúc mừng cô!
Session 6 C “The psychology of killing and The My Lai Massacre” gồm hai bài thuyết trình:
-“The psychology of killing and the experiences of American Soldiers in Vietnam War.” by Olli Siitonen, University of Helsinki. Khi được hỏi anh có thấy sự khác biệt gì trong ảnh hưởng tâm lý của chiến tranh giữa người lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và người lính Mỹ trong chiến tranh Afghanistan hay Iraq thì anh nhìn nhận là chưa có cơ hội làm các so sánh đó và hứa sẽ học hỏi thêm.
-“Mỹ Lai Massacre Revelation - The Catalyst for Vietnamization” by Ngoc Anh Khoa Doan, PhD
candidate, Columbia University and Hung Nguyễn, University of Social Sciences and Humanities, Hồ Chi Minh City Vietnam, nhắc lại các lập luận cũ của phe phản chiến Mỹ và CSVN rằng có tới hơn 500 dân làng bị lính Mỹ tàn sát. Khi được hỏi rằng theo số liệu của phía chính quyền Mỹ thì có khoảng từ 18 đến 22 dân làng bị giết. Hình ảnh trưng dẫn bởi truyền thông Mỹ cũng cho thấy con số tương tự. Vậy các diễn giả có hình ảnh nào khác để chứng minh số nạn nhân là hơn 500 người? Hai diễn giả trả lời là họ không có hình ảnh nào khác. Khi được hỏi rằng viên sĩ quan Mỹ chỉ huy cuộc hành quân Mỹ Lai đã bị đem ra xét xử và kết án tù, trong khi những vụ tàn sát khác do phía CSVN gây ra như vụ Thảm Sát Tết Mậu Thân ở Huế (5000 - 7000 nạn nhân) và vụ quăng lựu đạn vào buổi lửa trại tại Sân Vận Động Qui Nhơn ngày 7 tháng 1 năm 1972, giết 10 học sinh và một cô giáo, thì những người phạm tội có bị điều tra hay kết án chưa? Hai diễn giả nhìn nhận là có hai cuộc thảm sát đó nhưng không biết có ai bị quy trách nhiệm và xét xử chưa. Điều đáng nói ở đây là cả ba diễn giả trẻ đều rất cởi mở, đón nhận ý kiến của thính giả, nên khi kết thúc buổi thảo luận chính thức, thính giả còn tiếp tục trao đổi ý kiến và khuyến khích họ.
Bài thuyết trình hùng hồn, lôi cuốn và đầy khả năng thuyết phục nhất trong cuộc hội thảo năm nay,
“Understanding the enemy: Keys to Hanoi’s victory” by Pierre Asselin, PhD, San Diego State University trong bữa ăn trưa ngày 27/4. Asselin nêu rõ cuộc chiến tranh Vietnam không phải bắt đầu từ 1945 hay 1954 hay 1965, mà bắt đầu từ những năm 1920s giữa một bên là những người cộng sản và một bên là những người Việt yêu nước nhưng không theo CS. Phe CS, trong đó có Hồ Chí Minh, được sự chỉ đạo, huấn luyện, hỗ trợ liên tục về nhân lực, tiền bạc, lương thực và vũ khí của Cộng Sản Quốc Tế trong khi những người Việt yêu nước nhưng không theo cộng sản thì không có được những lợi điểm ấy...Nhưng vũ khí quan trọng nhất của phe CS là khả năng tuyên truyền rộng khắp thế giới với muôn vàn mánh khoé lừa đảo, dụ dỗ, hứa hẹn hão huyền để tô vẽ cho thiên đường cộng sản, vận động những người thành tâm, thiện chí đứng về phía họ, tưởng là mình đang đứng về phía những người tranh đấu chống quân xâm lược, chống kẻ áp bức, bênh vực người bị bóc lột, đàn áp...Người Việt tỵ nạn CS lắng nghe ông và thấy xót xa phận mình. Bài thuyết trình của TS Asselin được hoan hô nồng nhiệt.
Session 7 D “Vietnamese Home Front during the Vietnam War” gồm hai bài thuyết trình:
-Thuy Duong Truong, University of Hamburg nói về “South Vietnam Higher Education developed in the Vietnamization”, khá trung thực và công bằng.
-Trieu Huy Hà, University of Social Sciences and Humanities, Ho Chi Minh City, Vietnam thuyết trình về “The Impact of Buddhism’s Movement to the Failure of Vietnamization Strategy and the Saigon Government, 1969-1975”, đại khái cũng lập lại các lập luận cũ cho rằng thành viên của phong trào tranh đấu của Phật Giáo là những người yêu nước, yêu dân tộc, yêu hoà bình, chống Mỹ xâm lược, chống chính quyền Saigon tay sai của Mỹ, chống Nguỵ quyền Saigon đàn áp Phật Giáo, ca tụng sự hy sinh tự thiêu của Hoà Thượng Thích Quảng Đức và kết luận rằng cuộc tranh đấu của Phật Giáo đã góp phần làm thất bại kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh, đưa đến sự sụp đổ của chính quyền Saigon...
Một thính giả Việt Nam hỏi diễn giả có biết đền chùa Phật Giáo được xây dựng, trùng tu rất nhiều từ
1954 đến 1975 và rất nhiều tăng ni được huấn luyện ở trong nước cũng như gửi đi du học nước ngoài với sự hỗ trợ của chính phú VNCH? Diễn giả có số liệu nào về tình trạng của Phật Giáo ở Miền Bắc trong cùng thời gian đó không? Diễn giả nói anh không biết những điều đó. Một thính giả Việt Nam khác hỏi diễn giả có biết 80% dân số Miền Nam theo Phật Giáo, nghĩa là 80% binh sĩ, công chức, sinh viên, học sinh, nông dân, công nhân, tiểu thương, v.v, là tín đồ PG. Nếu Phật Giáo bị đàn áp như vậy thì làm sao chính quyền, quân đội, trường học, chợ búa, việc đồng áng...của Miền Nam có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường trong những năm tháng đó? Diễn giả nói anh không biết những điều ấy. Một thính giả Mỹ đặt vấn đề: nếu những người trong phong trào tranh đấu Phật Giáo là những người yêu dân tộc, yêu hoà bình như diễn giả nói, thì tại sao chính những người đó lại tham gia vào vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế? Diễn giả nói anh cũng không biết những sự kiện đó. Thấy diễn giả, một sinh viên trẻ đến từ Việt Nam, tỏ ra quá lúng túng, trông thật tội nghiệp, nên có mấy người định lên hỏi thêm nhưng quyết định không hỏi nữa. Sau đó mọi người xúm quanh anh, hỏi han, an ủi và nói với anh rằng chúng ta hiểu và thông cảm với anh. Anh cám ơn mọi người.
Còn rất nhiều các buổi thuyết trình khác do các cựu tổng trưởng, thứ trưởng và viên chức cao cấp
VNCH trình bày về nỗ lực của Chính Quyền Miền Nam trong việc phục vụ nhân dân, hữu sản hoá công nhân, cho người cày có ruộng, v.v. Tiếc là chúng tôi phải đi “đánh giặc" ở các phòng họp khác nên không được nghe những tài liệu quý giá này. Chúng tôi cũng rất tiếc không dự được buổi thuyết trình của Nhà Văn Quân Đội Phan Nhật Nam mà chúng tôi hết lòng ngưỡng mộ từ thập niên 1960 cho mãi đến nay.
Cùng đến tham dự khoá hội thảo này còn có khá nhiều cựu chiến binh Mỹ. Họ rất đồng tình với nhóm người Việt tỵ nạn CS. Cũng có một phái đoàn cựu chiến binh Canada đến từ Calgary. Họ thuyết trình ba đề tài, thiết lập một gian hàng trưng bày hình ảnh cựu chiến binh Canada và Việt Nam đang sống tại Calgary. Họ cũng rất thân thiết, gần gũi với chúng tôi.
Điều nổi bật trong khoá hội thảo này là tinh thần đoàn kết, sự chan hoà tình nghĩa đồng hương và tình chiến hữu trong mặt trận mới nơi nhóm người Việt tỵ nạn CS. Cám ơn quý anh chị đã cho chúng tôi những ngày vui, chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm quý giá. Hy vọng với tinh thần học hỏi cầu tiến, rút kinh nghiệm từ năm nay, chúng ta sẽ làm tốt hơn nữa trong năm tới.
Trân trọng,
Boston , ngày 29 tháng 4 năm 2019.
BS. Vũ Linh Huy
VIẾT THÊM.
(Sau đây là phần tôi viết thêm ngày 5/5/2019):
Thưa quý vị và các bạn thân mến,
Xin cho phép tôi được nói thêm ít lời về cuộc hội thảo vừa qua. Chúng tôi đến dự hội thảo với tư cách
riêng, tự túc về mọi phương diện, không hẹn gặp nhau trước, thế nhưng khi gặp nhau, chúng tôi thấy rất
ý hợp tâm đầu. Từ các viên chức cao cấp của Việt Nam Cộng Hoà đến tôi là người chưa đóng góp gì
vào cuộc chiến hay tham gia chính quyền, tất cả chúng tôi đều tự nhiên cảm thấy chan hòa tình chiến
hữu trong mặt trận mới này. Tất cả chúng tôi đều mong muốn mãnh liệt trả lại sự thật cho cuộc chiến,
nhất là cho vai trò của quân và dân Miền Nam trong cuộc bảo vệ đất nước, chống cộng sản xâm lược.
Quan trọng hơn cả, là chúng tôi rất lo lắng về việc sắp tới đây ở California sẽ dậy môn lịch sử về Chiến
Tranh Việt Nam do công lao của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, nhưng ai sẽ đứng ra giảng dậy, mà nếu
dậy thì dùng tài liệu nào? Cứ vào bất cứ thư viện đại học nào, kể cả đại học Harvard ở Boston, chúng ta
thấy toàn sách vở của phe phản chiến và phía Cộng sản Việt Nam, còn các tài liệu từ phía Việt Nam
Cộng Hòa thì rất ít. Trong khi đó thì Cộng sản Việt Nam, vốn rất giỏi tuyên truyền và luôn luôn sẵn sàng
lợi dụng mọi cơ hội để đánh bóng chế độ và đánh bóng quá khứ mà chúng cho là oai hùng. Bởi vậy,
chúng đã gửi rất nhiều sinh viên sang Mỹ để học chương trình tiến sĩ (PhD) với đề tài liên quan tới cuộc
chiến Việt Nam. Các sinh viên này tốt nghiệp tại Mỹ, do các trường danh tiếng của Mỹ đào tạo, có luận
án tiến sĩ về chiến tranh Việt Nam, thì khi các trường phải dậy lịch sử về chiến tranh Việt Nam chắc hẳn
những người này có nhiều cơ hội được thuê hơn là các ứng viên khác. Một khi họ đã được thuê rồi thì
chúng ta muốn phản đối có dễ dàng không? Lấy lý do hay bằng cớ gì để phản đối? Vậy chúng ta phải
làm sao đây? Con em chúng ta thì chẳng có đứa nào thích học sử, nhất là sử về chiến tranh Việt Nam,
và đa số cha mẹ cũng không khuyến khích con em đi vào những ngành này. Như vậy là chúng ta bỏ ngỏ
chiến trường này cho cộng sản Việt Nam tự do tung hoành hay sao? Nỗ lực của chúng tôi là cố gắng
liên lạc với càng nhiều trường đại học càng tốt và gửi cho họ các tài liệu (đã dịch sang tiếng Anh) mà
chúng tôi có, dù còn rất ít ỏi. Chúng tôi cũng cố gắng làm quen, kết bạn với các diễn giả có lập trường
trung dung hoặc có sự hiểu biết về quân lực Việt Nam Cộng Hòa và cuộc chiến đấu của chúng ta. Hy
vọng rằng chúng ta có thể mời họ đứng ra viết một cuốn sử về chiến tranh Việt Nam cùng với các tác
giả gôc Việt Nam Cộng Hòa tỵ nạn CS, để làm sách giáo khoa giảng dạy tại các trường California cũng
như các trường khác tại Mỹ và trên toàn thế giới. Thời gian cấp bách, phương tiện eo hẹp, khả năng trí
tuệ, hiểu biết non kém, nhưng chúng tôi cũng cứ cố gắng hết sức mình, coi như góp một viên gạch nhỏ
cho con đường giải phóng đất nước khỏi ách độc tài CS và tưới từng gáo nước nhỏ cho cây tự do lớn
lên. Vậy thôi.
Cũng cần nói thêm rằng, tất cả chúng tôi đều cố gắng “chiều hồi” các sinh viên Việt Nam làm diễn giả
trong buổi hội thảo. Dù phải phản bác các sự xuyên tạc của cộng sản VN và của phe phản chiến Mỹ,
chúng tôi rất dịu dàng với các em. Sau mỗi buổi thuyết trình, chúng tôi đều đến nói chuyện thêm với các
em. Các em tỏ ra rất cởi mở và hứa sẽ học hỏi thêm. Tuy nhiên, ngay tại cuộc hội thảo này, chúng tôi
thấy rõ sự kìm kẹp của cộng sản trên các sinh viên du học. Có một cô, mặt đằng đằng sát khí, đến rỉ tai
các em sinh viên du học sau khi họ nói chuyện với chúng tôi. Không biết cô ta dặn dò điều gì, nhưng khi
ra hành lang, và nhất là khi có mặt của cô ta, thì các em đều cắm mặt xuống bàn, không nhìn và không
chào hỏi chúng tôi nữa!
Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Chúng tôi học hỏi được rất nhiều trong khóa hội thảo này. Hy
vọng có dịp sẽ chia sẻ thêm với quý vị.
Trân trọng cảm ơn quý vị.
BS. Vũ Linh Huy
Comments
Post a Comment