Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh lạnh với Donald Trump.


Thụy My Đăng ngày 06-09-2018 Sửa đổi ngày 06-09-2018 16:56
Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung, ai sẽ thắng ai ? ( Ảnh mang tính minh họa)REUTERS/Thomas Peter/File Photo


« Đối phó với Trump, Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh lạnh », đó là tựa đề bài phân tích của thông tín viên nhật báo Les Echos tại Bắc Kinh. Bị bất ngờ trước chiến tranh thương mại do Hoa Kỳ khởi xướng, nay Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc xung đột trường kỳ và đa dạng.

Les Echos nhắc lại, mùa hè vừa qua ông Tập Cận Bình vốn xuất hiện thường xuyên trên báo chí, bỗng biến mất trong suốt hai tuần lễ. Nhà lãnh đạo mà mức độ tôn sùng cá nhân tương đương với thời kỳ Mao Trạch Đông, bận dự hội nghị Bắc Đới Hà. Một hội nghị về mặt chính thức không hiện hữu, nhưng mọi người đều biết rằng các đường hướng kinh tế, chính trị quan trọng được vạch ra tại đây. Tuy không có gì được tiết lộ, nhưng chắc chắn chương trình thảo luận tập trung cho cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.

Bắc Kinh ngỡ rằng đã « dỗ dành » được Donald Trump với lời hứa sẽ mua hàng tỉ đô la hàng hóa của Mỹ, nhưng nay đành phải từ bỏ hy vọng nhanh chóng kết thúc xung đột. Ngược lại, cuộc chiến tranh thương mại sẽ còn leo thang trong những ngày tới : Washington cho biết muốn đánh thuế thêm 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc.

Cho dù Bắc Kinh dọa sẽ ăn miếng trả miếng, đây là một đòn nặng cho người khổng lồ châu Á. Vẫn rất lệ thuộc vào xuất khẩu, Trung Quốc thiệt thòi nhiều trong trò chơi đánh thuế qua lại hàng hóa của nhau. Lý do hết sức đơn giản : lượng hàng nhập từ Mỹ chỉ bằng một phần tư so với số 506 tỉ đô la hàng Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ hàng năm, và ông Donald Trump không loại trừ khả năng đánh thuế toàn bộ.

Thị trường tài chính hoang mang, đồng nhân dân tệ sụt giá, Bắc Kinh đành phải thay đổi chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Mục tiêu chống rủi ro tài chính đành trở thành thứ yếu, và một số nhà quan sát lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ


Ban đầu bị bất ngờ trước quyết tâm của Donald Trump, nay Trung Quốc chấp nhận một cuộc chiến lâu dài và mở rộng với Hoa Kỳ. Báo chí nhà nước Trung Quốc lâu nay vẫn đắc chí xỏ xiên sự bất nhất, tự làm hại mình của tổng thống Mỹ ; nay coi sự tấn công của Washington không chỉ có mục đích làm giảm thâm hụt thương mại, mà nằm trong một chiến lược tổng thể nhằm ngăn chận đà tiến của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Long Quốc Cường (Long Guoqiang), một trong những nhà kinh tế nhiều ảnh hưởng nhất, trong một bài viết đăng trên Nhân Dân Nhật Báo nhận định Hoa Kỳ coi Trung Quốc là người « cạnh tranh chiến lược », như trước đây từng chận bước Liên Xô. Bắc Kinh nay cho rằng xung đột thương mại chỉ là cái cớ, đây là tiền đề của một cuộc chiến tranh lạnh mới mà Trung Quốc phải đối phó và không thể nhường bước. Cơ quan tư vấn Trivium ở Bắc Kinh nhận xét : « Các lãnh đạo không còn coi đây là cuộc đấu đá thương mại, mà là sự tấn công vào mô hình kinh tế chính trị Trung Quốc ».

Kế hoạch Made in China 2025 nhằm nâng Trung Quốc lên hàng đầu thế giới về công nghệ mới, bị Washington coi là biểu tượng của tham vọng hất cẳng Thung lũng Silicon. Và bao trùm lên tất cả : trong khi Donald Trump hứa làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, thì Tập Cận Bình khẳng định « giấc mơ Trung Hoa » và mục tiêu « đại phục hưng ». Ông Tập liên tục nhấn mạnh ngôi vị hàng đầu thế giới của Trung Quốc, trong lúc quyền lực cá nhân của ông đã được tăng cường.

Giờ đây tại Trung Quốc đã có một số tiếng nói cho rằng sự huênh hoang về sức mạnh kinh tế và địa chính trị chỉ làm Hoa Kỳ thêm nghi ngại. Báo chí Hoa lục đã được chỉ thị không nhắc đến kế hoạch Made in China 2025 – một động thái mà theo Les Echos là chưa đủ để làm dịu bớt căng thẳng với Mỹ.

Tập Cận Bình ra sức dụ dỗ châu Phi

Cũng về Trung Quốc, Le Monde nói về « Chiến dịch khuyến dụ châu Phi của Tập Cận Bình ». Các nhà lãnh đạo châu Phi vừa được Bắc Kinh tiếp đón như những ông hoàng, để tỏ ra khác biệt với phương Tây. Và nhất là với tổng thống Mỹ, người mà hồi tháng Giêng đã gây sốc khi gọi là các nước này là « thối tha ».

Tại thượng đỉnh Trung-Phi lần thứ ba diễn ra trong ngày 3 và 4/9, 53 nhà lãnh đạo châu Phi cùng với các bà phu nhân được tiếp đãi long trọng, trong đó có dạ yến khoản đãi của ông Tập Cận Bình với phần trình diễn văn nghệ. Chủ tịch Trung Quốc đọc một bài diễn văn nghe rất êm tai : « Chúng tôi luôn theo đuổi chính sách ‘năm không’ trong quan hệ với châu Phi. Đó là không can dự vào nỗ lực phát triển của từng nước cũng như công việc nội bộ châu Phi, không áp đặt ý định, không đặt điều kiện khi cấp viện trợ, không theo đuổi những lợi ích chính trị ích kỷ ».

Kèm theo đó là lời hứa viện trợ 60 tỉ đô la trong ba năm tới, và đối với những nước châu Phi nghèo nhất, Trung Quốc hứa xóa nợ, liên quan đến những món cho vay không lãi sắp phải thanh toán từ cuối 2018. Theo Viện nghiên cứu Trung Quốc-Châu Phi thuộc đại học John-Hopkins, đó là ba nước Cộng hòa Congo, Zambia và Djibouti. Djibouti cũng chính là nơi mà Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Le Monde đặt câu hỏi, đến bao giờ nơi này không còn đây là căn cứ ở ngoại quốc duy nhất của Trung Quốc ?

eSwatini, khách châu Phi duy nhất không được mời

Trong bài « eSwatini, đồng minh cuối cùng của Đài Loan tại châu Phi », Le Monde ghi nhận ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc mời được toàn bộ lãnh đạo châu lục này đến dự hội nghị thượng đỉnh, ngoại trừ đất nước nhỏ bé nằm giữa Mozambique và Nam Phi, tên cũ là Swaziland.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đến thăm eSwatini hồi tháng Tư. Tại đây, Đài Bắc đã tài trợ xây dựng một bệnh viện và một sân bay mới. Hai đồng minh cũ của Đài Loan là Sao Tomé và nhất là Burkina Faso đã cắt đứt thâm tình để bắt tay với Trung Quốc.

Đài Bắc chỉ còn biết phê phán nước đồng minh từ 24 năm qua đã « chạy theo chính sách ngoại giao đô la », bên cạnh đó nhiều chính khách Burkina Faso cũng công khai chỉ trích đề nghị viện trợ của Bắc Kinh, cao gấp bốn lần GDP của nước này. Tuy nhiên sự trung thành của eSwatini cũng khiến Đài Loan bối rối đôi chút, vì đó là một vương quốc không cho phép bất kỳ đảng chính trị nào được hiện diện.

Trung Quốc âm thầm chiếm vũ đài

Nhìn từ góc độ châu Âu, cây bút bình luận Sylvie Kauffmann nhận định, viện trợ của Pháp không thể so sánh nổi với 60 tỉ đô la mà ông Tập Cận Bình hứa hẹn cho châu Phi, nhưng phải đặt trong tổng thể Liên Hiệp Châu Âu cung cấp đến 55% viện trợ phát triển trên thế giới. Điểm khác biệt lớn là Trung Quốc bất chấp vấn đề nhân quyền, Nhà nước pháp quyền, dân chủ…Business is business.

Trước những hồ sơ lớn về địa chính trị, Trung Quốc im lặng, nhưng tích cực hành động có lợi cho mình. Các doanh nghiệp ở Hoa lục sẵn sàng nhảy vào tái thiết Syria. Tại các định chế quốc tế mà Donald Trump muốn rút lui, Bắc Kinh triển khai nhân sự có trình độ và gia tăng đóng góp vào ngân quỹ. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tuy là sân khấu đối đầu Nga-Mỹ, nhưng trên thực tế đã dần dà trở thành sân chơi Nga-Trung, và Bắc Kinh đã qua mặt Matxcơva.

« Con đường tơ lụa mới » giúp ảnh hưởng Trung Quốc trải rộng lên phân nửa số quốc gia trên hành tinh, đến tận Đông Âu. Con đường tơ lụa thế kỷ 21 không chỉ bao trùm trên đất liền và trên biển, mà cả trên internet. Một cách muộn màng, châu Âu bắt đầu tìm cách bảo vệ những lãnh vực chiến lược. Nhưng cú đòn nặng nhất lại từ Malaysia : thủ tướng 93 tuổi vừa quay lại nắm quyền đã hủy ngay các dự án 23 tỉ đô la của Bắc Kinh, tố cáo chủ nghĩa thực dân mới. Pakistan và Miến Điện cũng đã nhận ra rằng nguy cơ Trung Quốc làm bá chủ là hiển hiện.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất