Kỷ Niệm Trận Hải Chiến Hoàng Sa Năm 1974 Tai San Jose.






Lê Bình
Hình: Phan Tuấn

Vào lúc 11:00 am ngày Chúa Nhật 21/1/2018, Hội Hải Quân Bạch Đằng Bắc California đã long trọng tổ chức Lễ Tưởng Niệm Trận Hải Chiến Hoàng Sa năm 1974, trận chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Trung Cộng, tại Thư Viện Tully, San Jose. Có hơn 120 đồng hương và các cựu quân nhân VNCH tham dự. Trong số đó, ghi nhận có: Cựu Đô Đốc Trần Văn Chơn, Cựu HQ Đại Tá Trần Thanh Điền, BS Trần Công Luyện, Ông Lê Đình Thọ (LH/CQN), Cô Vân Lê, Ủy viên Giáo Dục khu học chánh East Side, San Jose, Hội Hải Quân, Hội Không Quân, Ông Lê Hữu Dư (GĐ Mũ Đỏ), Ông Phát Kiên, (Hội TQLC) Ông Trần Song Nguyên (Hội BĐQ) Ông Triệu Hà (Hội ĐPQ) Hội Nữ Quân Nhân Bắc Cali, Nha Kỹ Thuật, Biệt Hải, Ông Nguyễn Minh Đường (LLSQ Thủ Đức), Hội Thiết Giáp, Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị, các cưu quân nhân SĐ 18, SĐ 21, và các Quân Binh Chủng VNCH, và giới Truyền Thông Báo Chí. Đặc biệt có sự hiện diện của 2 chiến sĩ Hải Quân trong trận chiến Hoàng Sa: HQ Tr. Úy Hồ Hải và Hạ sĩ Nguyễn Văn Mỹ.

Một bàn thờ được thiết lập giữa hội trường, đèn nhang hoa quả và có một bức tranh lớn, cảnh Biển Đông, trên đó có ghi tên 74 chiến sĩ Hải Quân VNCH tử trận.

Sau nghi lễ Chào Cờ khai mạc, ban tổ chức đã rước 74 linh vị các tử sĩ vào an vị trên bàn thờ, Lễ Dâng Hương trước bàn thờ do Cựu ĐT Trần Thanh Điền, Ông Lê Đình Thọ, BS Trần Công Luyện thực hiện. Sau đó, thay mặt Ban Tổ Chức, cựu HQ Lê Thái Phúc, Trường Ban Tổ Chức, đọc diễn văn chào mừng. Ông Lê Thai Phúc phát biểu:

Kính thưa Đô Đốc Tư Lệnh,
Kính thưa quý Niên Trưởng và Chiến Hữu,
Kính thưa Quan Khách.

Trước tiên, đại diện cho Ban Tổ Chức, tôi xin được cám ơn và chào đón quý vị đến với chúng tôi để tưởng niệm các chiến sĩ VNCH đã vị quốc vong thân tại Hoàng Sa ngày 19 tháng giêng năm 1974. Sự hiện diện của quý vị hàng năm trong ngày lễ tưởng niệm đã là một khích lệ rất lớn để chúng tôi thấy cần phải tiếp tục giữ gìn ngày truyền thống nầy. Ngoài ra, sự hiện diện của quý vị cũng thể hiện - Quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, giành lại lãnh hải Việt Nam bị Trung cộng xâm chiếm.
- Nêu cao Chính Nghĩa Quốc gia, vinh danh Quân-Dân- Cán-Chính và Hải Quân VNCH
- Hun đúc lòng yêu nước của toàn thể con dân Việt tại quốc nội cũng như hải ngoại.

Hôm nay một lần nữa chúng ta tập họp tại đây, để làm lễ Tưởng Niệm các chiến sĩ Hoàng Sa, và để ôn lại những trang sử oai hùng của tiền nhân, chống lại giặc phương Bắc để bảo vệ giang sơn gấm vóc. Và quý vị cũng được xem lại một thước phim do Dân Sinh Media thực hiện, chỉ 10 phút ngắn, nhưng cũng đủ gôm trọn lại hiện tình của đất nước. Cuốn phim nầy lẽ dĩ nhiên không bao giờ hoàn tất, nhiều đoạn phim sẽ được thêm vào trong tương lai cho phù hợp vào các biến cố đã và đang xảy ra.

Hôm nay là ngày giỗ, thường là cơ hội để người thân hay quen biết kể lại những kỷ niệm về người đã mất. Trong buổi tưởng niệm Hoàng Sa nầy, để ôn lại chí khí can trường của những người lính VNCH, tôi xin kể lại 2 sự kiện mà chứng nhân là người bạn cùng khóa hiện đang ở Florida. Anh tên là Tất Ngưu, và anh kể như sau:

1/ Khi Hộ Tống Hạm HQ10 sắp chìm, anh bảo người Hạ Sĩ thuộc quyền của anh phải rời chiến hạm để xuống bè cấp cứu. Anh Hạ Sĩ nầy, tên Lê Văn Tây, đã rắn rỏi trả lời, “Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với bọn Trung Cộng, Chuẩn Úy cứ nhảy xuống đi”. Và vài phút sau, ổ Hải Pháo bị trúng đạn nổ tung và thân xác anh Tây đã chìm theo chiến hạm vào lòng biển.
2/ Cố Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà, trước khi nhận lịnh nổ súng ,đã ban huấn lịnh cho tất cả quân nhân của Chiến Hạm HQ10. “Các anh em, chút nữa đây, chúng ta sẽ phải đương đầu với một nhiệm vụ vô cùng sanh tử, nhưng chúng ta sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ non sông. Tôi chúc các anh em may mắn, bây giờ thì ai trở về nhiệm sở của người đó, chúng ta đi đền nợ nước.” Và nửa tiếng đồng hồ sau đó, các anh vĩnh viễn đi vào lòng đại dương.
Đấy là cái dũng của người lính VNCH. Đối lại, chúng ta sẽ nghe những lời phát biểu ngu si và hèn hạ của các vị lãnh đạo Xã Hội Chủ Nghĩa.

1/ Ngoài Công Hàm chấp nhận Hoàng Sa là của Trung Cộng, do các tội đồ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1956.
2/ Tên Lê Đức Thọ đã bán Hoàng Sa như sau , “Cuộc chiến tranh của ta rất cần sự ủng hộ của Trung Quốc, làm sao chống bạn của chúng ta được. Họ có giải phóng (Hoàng Sa) giúp ta, thì sau nầy cũng trả lại cho ta thôi”.
3/ Tên Lê Đức Thọ thêm, “Hãy yên tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền”.
4/ Tên Hoàng Tùng, Tổng Biên Tập báo Nhân dân, “Vì ta bận đánh Mỹ ... nên nhờ bạn Trung Quốc giải phóng Hoàng Sa. Sau nầy mình thống nhất đất nước rồi phía bạn sẽ trả cho mình”.
Ôi những lời phát biểu ngu dốt và nhục nhã làm sao.

Kính thưa quý vị,
Trong tình huống hiện nay tại Quốc Nội. Trên là chính quyền Cộng Sản, vừa ngu si dốt nát, vừa hèn hạ, cam tâm làm thân khuyển mã cho đám mọi rợ phương Bắc mặc tình dầy xéo. Dưới là người dân Việt Nam đã bị tẩy não, kẻ thì lợi dụng thời cơ làm giàu trên xương máu của đồng loại, phần đông thì lăn lộn để có được miếng cơm manh áo. Ngoại trừ, một thiểu số rất ít còn nghĩ đến tiền đồ của cha ông, còn lại phần lớn là thờ ơ với thời cuộc. Họa mất nước đã cận kề, hơn lúc nào hết, những tấm gương trung quân ái quốc của các bậc Tiền Nhân và tử sĩ cần phải được vinh danh và nhắc nhở để cổ xúy và hun đúc lòng ái quốc của mọi người con dân Việt Nam.

Và hôm nay trong ngày lễ Tưởng Niệm. Với lòng thành của tất cả người Việt hải ngoại, cầu xin anh linh của các bậc Tiền Nhân, của các Tử Sĩ, cũng như những anh hào nước Việt phù hộ giúp cho người dân Việt quốc nội sớm thoát khỏi đại nạn Cộng Sản, có được một cuộc sống tự do, no ấm và thanh bình. Trước khi dứt lời tôi xin một vài phút để đọc một email mà cháu Thảo, con của cố HQ Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí, Hạm Phó HQ10, gửi cho chúng tôi ngày hôm qua:

Thưa bác ,
Cháu xin thay mặt các gia đình Hoàng sa cúi đầu cám ơn các cô chú , bác đã bỏ thời gian và công sức tổ chức hằng năm ngày giỗ Hoàng Sa cho 74 người lính VNCH hy sinh trong trận chiến năm 1974 trong đó có ba cháu . Vô cùng biết ơn !
Cháu biết hằng năm tại hải ngoại đều tổ chức ngày giỗ Hoàng sa, người Việt hy sinh quên mình để bảo vệ Tổ quốc nhưng lại không được Tổ quốc mình ghi công, tưởng niệm . Cháu cảm thấy chua xót quá . Bên đây mỗi lần đi dự lể tưởng niệm ba cháu giống như đi ăn trộm , phải nhìn trước ngó sau , công an đứng đầy trước ngõ. Con của 1 anh hùng dân tộc mà giống như con của tội phạm . Chua chát làm sao! Cháu mong ước sẽ có 1 ngày cháu được dự lể tưởng niệm ba cháu và các đồng đội của ông một cách long trọng, đàng hoàng để cháu có thể kiêu hãnh tự hào mình là con của anh hùng vị quốc vong thân , không phải cười ra nước mắt như hôm nay.
Ký tên: Cháu Thảo .

Một lần nữa cám ơn sự hiện diện của quý vị. Cám ơn sự yểm trợ của các CH trong Hội Lực Lượng SQTĐ và trong Liên Hội Cựu Quân Nhân, cũng như quý N/T và CH của Hội Bạch Đằng. Và xin kính chúc quý vị có một buổi chiều Chủ Nhật an lành và hạnh phúc.”

Sau đó là lời phát biểu của ông Lê Đình Thọ, TTK Liên Hội Cưu Quân Nhân Bắc California, và cựu HQ Đại Tá Trần Thanh Điền. Ông phát Biểu: “Cuộc hải chiến xảy ra ra cách nay đã 44 năm nhưng chúng ta, những người dân Việt Nam yêu quê hương, yêu tổ quốc, không ai quên. Bởi vì cuộc chiến đó, những chiến sĩ Hải Quân VNCH chúng ta, đã anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm Tàu cộng phương Bắc để bảo vệ biển đảo cho Tổ Quốc.”

BTC chiếu một đoạn cuộc hải chiến Hoàng Sa. BTC không quên giới thiệu một số sĩ quan, hạ sĩ quan…v.v. tham dự cuộc hải chiến đó, và hiện diện hôm nay: Tr.úy Hồ Hải và Hạ sĩ Nguyễn Vân Mỹ.

Cuối cùng là văn nghệ, do Hội Bạch Đằng trình diễn. Lễ chấm dứt lúc 1:00pm.

Về cuôc chiến Hoàng Sa, có nhiều chiến sĩ Hải Quân đã kể lại. Mặc dù trận hải chiến ấy xảy ra đã lâu, nhưng trong ký ức của HQ Trung Úy Phạm Ngọc Roa vẫn còn rõ mồn một. Ngày ấy Trung úy Roa là phụ tá sĩ quan hải hành trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ4 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Ông kể: “Lúc đầu Hải Quân VNCH có 3 chiến hạm là HQ4, HQ5, HQ16, còn phía Trung Cộng có 7 chiến hạm. Sau đó Bộ tư lệnh Hải Quân VNCH tăng cường thêm chiếc hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 do thiếu tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng. HQ4 là chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân VNCH lúc bấy giờ (VNCH chỉ có 2 chiếc khu trục hạm), và được trang bị 2 khẩu đại bác 76,2 ly phòng không, sử dụng bằng điện”.

Cũng theo ông Roa, khi chiếc HQ4 có mặt ở vùng quần đảo Hoàng Sa thì tàu Trung Cộng đã có mặt ở đó khoảng 4 - 5 ngày trước. Ông cho biết: “Tình hình đã rất nghiêm trọng, có mặt 3 ngày trước trận hải chiến thì anh em đều không ngủ được. Tàu 2 bên đã rất gần nhau, có lúc chỉ cách nhau hơn một cây số. Ngay tại đây, trung tá Vũ Hữu San, Hạm trưởng HQ4, đã chỉ thị cho anh em dùng quang hiệu và loa phát thông báo cho phía Trung Cộng biết rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu rồi, yêu cầu phía Trung Cộng rút lui, tuy nhiên không có kết quả gì”.

Ông kể tiếp, sáng 19/1/1974, lực lượng Biệt Hải của VNCH đổ bộ lên một đảo chính thuộc quần đảo Hoàng Sa để chiếm lại đảo, nhưng quân Trung Cộng đã ở đó đông gấp 10 lần quân VNCH, họ dàn hàng ngang tràn xuống, cuộc đổ bộ thất bại. Sau khi rút quân đổ bộ, Đại tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy trưởng cuộc chiến, ra lệnh các tàu nổ súng. Lúc này Hải Quân VNCH chia làm 2 cánh, HQ4, HQ5 ở mạn Nam còn HQ10, HQ16 ở mạn Bắc. HQ10 là chiếc khai hỏa đầu tiên, sau đó tất cả 4 chiếc đồng loạt nổ súng - trận chiến kéo dài chừng 30 phút.

“Có đến 3 chiến hạm của Trung Cộng đón đầu HQ4; chúng dồn hỏa lực về phía HQ4 vì nghĩ đây là chiếc tàu hiện đại nhất trong 4 chiếc nên cố tiêu diệt. Trong khi đó, một khẩu đại bác trước tàu HQ4 bị hỏng, súng phóng ngư lôi thì không có đạn, khả năng tác chiến của tàu sụt giảm nghiêm trọng. Lúc này HQ4 coi như bị hỏng một nửa, thấy HQ5 (soái hạm) quay đầu ra và HQ4 đi theo, cuộc chiến chấm dứt. HQ4 bị trúng 67 phát đạn, 2 người chết và khoảng 20 - 30 người bị thương. Chính mắt tôi trông thấy bên tàu Trung Cộng có một chiếc bốc khói và một chiếc đâm vào đảo”, ông Roa cho biết.

Ông Phạm Ngọc Roa cho hay: “Khi tàu đang chạy về hướng Qui Nhơn được khoảng 5 tiếng đồng hồ thì nhận được lệnh phải quay lại Hoàng Sa chiến đấu, nếu có điều gì không may thì các anh cứ ủi vào đảo. Chiếc HQ-4 quay lại và khi cách Hoàng Sa khoảng 30 hải lý, lúc này ra đa đã sửa xong và nhìn trên màn hình thấy tàu Trung Quốc dàn 3 chiếc phía trước. Mặc dù biết khó sống sót nhưng anh em chấp hành lệnh nghiêm chỉnh và sẵn sàng tác chiến, nhưng rồi lại nhận được lệnh từ Bộ Tư lệnh Hải Quân quay về Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, chúng tôi được lệnh chuẩn bị để tổ chức phản công nhưng sau đó lại thôi…”.

“Sau 3 ngày căng thẳng, khi nhận được lệnh chiến đấu thì ai cũng quyết tâm chứ không sợ sệt gì cả, sống chết gạt bỏ sang một bên. Đây là cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo của chúng ta. Đất của mình, đảo của mình mà họ vô cớ đến dùng sức mạnh lấn ép, chiếm, thì chúng ta dù có yếu đi nữa cũng sẽ chiến đấu để bảo vệ… Khi rút lui khỏi trận chiến, chúng tôi biết muốn trở lại Hoàng Sa sẽ khó khăn hơn. Chúng tôi cảm thấy bất lực, không nhận được sự giúp đỡ khi chiến đấu với đối thủ mạnh hơn rất nhiều. Tất cả anh em đều buồn vì người lính đã không hoàn thành nhiệm vụ… Tôi mong ước một ngày nào đó, quần đảo Hoàng Sa phải trở lại với đất nước Việt Nam chúng ta…”, ông Phạm Ngọc Roa tâm sự.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất