Toàn văn bài (chuyển ngữ) phát biểu của TT Hoa Kỳ tại Việt Nam

Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Obama tại Hà Nội
Hôm nay 24.5.2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu 30 phút về quan hệ Việt-Mỹ. Chúng tôi xin gửi đến quý độc giả bản dịch toàn văn bài phát biểu.
 Xin Chào
Xin cảm ơn, xin cảm ơn rất nhiều.
Kính thưa Chính phủ và người dân Việt Nam, xin cảm ơn vì đã dành cho tôi sự chào đón rất nồng nhiệt trong chuyến thăm này. Và cũng xin cảm ơn tất cả các bạn đã có mặt tại đây hôm nay.
Người dân trên khắp lãnh thổ đất nước vĩ đại này, trong đó có rất nhiều thanh niên đại diện cho sự năng động, tài năng và niềm hi vọng của Việt Nam. 
Trong chuyến thăm lần này, sự thân thiện của người dân Việt Nam đã chạm đến trái tim tôi. Bao nhiêu người xếp hàng dài trên các con phố, nở nụ cười và vẫy tay chào, đã giúp tôi cảm nhận được tình hữu nghị giữa con người hai nước.
Tối qua, tôi đã có dịp đến thăm phố cổ Hà Nội, được thưởng thức những món ăn tuyệt vời của Việt Nam. Tôi đã ăn thử bún chả, uống một chút bia Hà Nội. Nhưng tôi phải nói rằng, trên những con phố bận rộn tại đây, chưa bao giờ trong đời tôi nhìn thấy nhiều xe máy đến thế. 
Thế nên là tôi chưa dám thử qua đường, nhưng có lẽ lần tới tôi quay lại thăm Việt Nam, các bạn có thể hướng dẫn tôi qua đường.
Tôi không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng tôi là Tổng thống đầu tiên - cũng giống như nhiều người trong số các bạn ở đây hôm nay - lớn lên sau khi cuộc chiến đã khép lại. Khi những lực lượng quân đội Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, tôi mới 13 tuổi. 
Ấn tượng đầu tiên của tôi về người Việt Nam là khi tôi còn ở Hawaii, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi đã được gặp cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở đó, nhiều người trong số đó còn trẻ hơn tôi. 
Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Obama tại Hà Nội - Ảnh 1.
 Tổng thống Obama phát biểu tại Trung tâm Hôi nghị Quốc gia. 
Giới trẻ Việt Nam hiện nay, giống như hai cô con gái tôi, được sinh ra và lớn lên trong hòa bình và bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Khi đến Việt Nam, tôi ý thức được quá khứ, ý thức được lịch sử khó khăn, nhưng mặt khác cũng hướng đến tương lai, đến sự thịnh vượng, đến những mục tiêu an ninh và ổn định để hai nước có thể thúc đẩy lẫn nhau.
Tôi cũng đến đây với sự trân trọng dành cho lịch sử huy hoàng của dân tộc Việt Nam. Trong suốt hàng thiên niên kỉ, người nông dân đã chăm sóc cho những mảnh đất này. Lịch sử đã được thể hiện qua trống đồng Đông Sơn. 
Trên khúc sông này, Hà Nội đã đứng vững trong hơn nghìn năm qua. Thế giới luôn quý trọng lụa và những bức tranh của Việt Nam; còn Văn Miếu là minh chứng cho sự ham học hỏi của con người các bạn. 
Nhưng trong nhiều thế kỉ, vận mệnh của Việt Nam lại nhiều lần bị các thế lực bên ngoài chi phối, những mảnh đất yêu thương đã có lúc thuộc về người khác. Nhưng cũng như cây tre, tinh thần bất khuất của người Việt Nam đã được thể hiện rõ qua những câu thơ của Lý Thường Kiệt: 
Sông núi nước Nam vua Nam ở.
Rành rành định phận ở sách trời.
Hôm nay, tôi cũng xin nhắc lại bề dày lịch sử giữa người Việt và người Mỹ mà chúng ta thường bỏ quên. Hơn 200 năm trước, một trong những ông tổ lập quốc của Mỹ là Thomas Jefferson khi tìm kiếm giống gạo cho trang trại của mình, đã tìm đến Việt Nam. Ông đã nói giống gạo của Việt Nam nổi tiếng vừa trắng, vừa ngon, mà năng suất lại rất cao. 
Không lâu sau đó, những con thuyền của Mỹ đã cập cảng Việt Nam, tìm kiếm cơ hội giao thương. Trong Thế chiến II, người Mỹ đã tới Việt Nam hỗ trợ cuộc kháng chiến chống lại ách đô hộ. Khi máy bay Mỹ bị bắn rơi, người dân Việt Nam đã cứu những viên phi công gặp nạn. 
Vào ngày tuyên bố độc lập của Việt Nam, người dân đã đổ ra những con phố trên khắp Hà Nội, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích tuyên ngôn độc lập của Mỹ, rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và được hưởng các quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Trong một thời kì khác, việc chia sẻ những giá trị nói trên, cũng như mong muốn lật đổ chế độ thực dân, đáng lẽ ra đã có thể đưa hai nước chúng ta xích lại gần nhau sớm hơn.
Nhưng thay vào đó, Chiến tranh Lạnh và nỗi sợ về khác biệt chế độ đã đưa chúng ta đến giao tranh. Và cũng giống như bất kì giao tranh nào trong lịch sử nhân loại, chúng ta đã rút ra được một bài học về sự thật: Chiến tranh, dù mục đích của mỗi bên có là gì, cũng sẽ gây ra những nỗi đau, dẫn đến những bi kịch.
Tại đài tưởng niệm liệt sĩ cũng như trên bàn thờ của các gia đình trên khắp đất nước các bạn, chúng ta nhớ về 3 triệu người Việt Nam, cả binh lính cũng như dân thường, đã thiệt mạng trong cuộc chiến.
Tại đài tưởng niệm chiến tranh ở Washington, tên của 53.315 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến cũng được khắc ghi. Những người cựu chiến binh và gia đình của các nạn nhân ở cả hai nước chúng ta, đến giờ vẫn phải chịu đựng nỗi đau mất mát.   
Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Obama tại Hà Nội - Ảnh 2.
Nhiều bạn trẻ Việt Nam đã có mặt để lắng nghe bài phát biểu của ông Obama.
Tại Mỹ, chúng tôi quan niệm rằng dù quan điểm về chiến tranh có bất đồng, thì chúng tôi luôn phải có trách nhiệm tôn vinh những binh sĩ tham chiến, và chào đón họ trở về với sự tôn trọng mà họ đáng được hưởng. 
Ngày nay, người Việt và người Mỹ mỗi bên chúng ta có thể cùng nhau cảm thông với mất mát của phía bên kia. Trong 2 thập kỉ qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến vô cùng lớn, và thế giới đã thấy được những thành quả của các bạn. 
Với cải cách kinh tế và những hiệp định thương mại, trong đó có các hiệp định với Mỹ, Việt Nam đã bước vào nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu các mặt hàng Việt trên khắp thế giới. Ngày càng nhiều nguồn đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam. Và với một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia thu nhập trung bình.
Chúng ta thấy được sự phát triển của Việt Nam qua những tòa nhà chọc trời ở Hà Nội, ở TP.HCM, những khu mua sắm, những trung tâm thương mại. 
Chúng ta thấy được sự phát triển ấy qua những vệ tinh được Việt Nam phóng vào vũ trụ, qua một thế hệ trẻ khởi nghiệp trên mạng, tìm kiếm những hướng đi mới. 
Chúng ta thấy được sự phát triển ấy qua hàng chục triệu người Việt Nam kết nối với nhau qua mạng xã hội Facebook hay Instagram. Và các bạn không chỉ đăng ảnh selfie, dù tôi biết là các bạn chụp selfie nhiều lắm, và tôi cũng đã nhận được rất nhiều lời đề nghị chụp selfie cùng các bạn.
Các bạn cũng đang thể hiện quan điểm về những vấn đề mà mình quan tâm, ví dụ như bảo vệ những cây cổ thụ ở Hà Nội. Vậy nên tất cả những sự năng động này đã đem lại bước tiến trong cuộc sống của người dân. 
Việt Nam đã giảm thiểu đáng kể số lượng hộ nghèo, tăng thu nhập trong các hộ gia đình, và đưa hàng triệu người dân đến với tầng lớp trung lưu. Đói nghèo, bệnh tật, tỉ lệ tử vong ở trẻ em, tất cả đều giảm. 
Số lượng người dân được tiếp cận nước sạch và sử dụng điện, số lượng các cậu bé, và cả các cô bé, được đến trường, và tỉ lệ biết chữ, tất cả đều tăng.
Đây đều là những thành tựu đáng kinh ngạc mà các bạn đã đạt được trong khoảng thời gian ngắn. Và đi cùng với sự thay đổi của Việt Nam, cũng là sự thay đổi trong mối quan hệ Việt-Mỹ. 
Chúng ta học được bài học từ thiền sư Thích Nhất Hạnh đáng kính. Ông từng nói rằng: "Chỉ có những đối thoại chân thành mới làm cho cả hai bên sẵn sàng thay đổi". Và như thế, chính cuộc chiến tranh từng chia cắt chúng ta đã trở thành nguồn cảm hứng để hàn gắn những vết thương. 
Nó giúp chúng ta tìm được những người mất tích và đưa họ về quê nhà, giúp chúng ta dò tìm và tháo gỡ bom mìn còn sót lại từ cuộc chiến, vì ta không thể để những đứa trẻ phải mất chân khi chúng đang chơi đùa. 
Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ người tàn tật, trong đó có trẻ em, cũng như loại bỏ chất độc da cam, để Việt Nam có thể lấy lại nhiều mảnh đất đang còn nhiễm độc. Chúng ta tự hào về những gì đã làm được tại Đà Nẵng, và sẽ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của các bạn tại Biên Hòa. 
Xin cũng đừng quên rằng, những nỗ lực hàn gắn của chúng ta có công lao rất lớn của những người cựu chiến binh, những đối thủ ở hai đầu chiến tuyến khi xưa.
Ví dụ như Thượng nghị sĩ John McCain, người đã từng là tù nhân chiến tranh ở Việt Nam trong nhiều năm. Khi ông McCain gặp Tướng Giáp, Tướng Giáp đã nói rằng chúng ta không nên cứ là kẻ thù, mà hãy là bạn. Hay như tất cả những cựu chiến binh khác, cả Việt Nam lẫn Mỹ, những người đã giúp chúng ta hàn gắn và xây dựng những quan hệ mới.
Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Obama tại Hà Nội - Ảnh 3.
Thượng nghị sĩ John McCain trong một lần trở lại Việt Nam, nơi ông từng bị bắt làm tù nhân chiến tranh. Ảnh: Politico
Không nhiều người có nhiều đóng góp trong những nỗ lực ấy như cựu trung úy Hải quân nay đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, người cũng có mặt tại đây hôm nay. Thay mặt tất cả, tôi xin cảm ơn ông, John, vì những nỗ lực tuyệt vời của ông. 
Bởi các cựu chiến binh đã soi đường cho chúng ta. Bởi vì chiến tranh, chúng ta có can đảm để theo đuổi hòa bình. Nhân dân hai nước đang trở nên thân thiết hơn bao giờ hết. Hợp tác thương mại ngày càng tăng, sinh viên và học giả hai nước đang cùng nhau học tập. 
Chúng tôi đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn bất cứ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á. Và hàng năm, các bạn đón thêm ngày càng nhiều khách du lịch Mỹ. Có cả những người Mỹ trẻ tuổi đeo ba lô tới Hà Nội 36 phố phường, tới những cửa hiệu ở phố cổ Hội An, rồi cố đô Huế. 
Người Mỹ và người Việt Nam chúng ta đều có thể đồng cảm với những lời nhạc sĩ Văn Cao đã viết:
"Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người."
Là một Tổng thống, tôi tin tưởng vào những tiến triển ấy. Với mối quan hệ đối tác toàn diện mới, Chính phủ hai nước đang làm việc một cách gần gũi hơn bao giờ hết. Và với chuyến thăm này, chúng ta đã đặt mối quan hệ Việt - Mỹ lên một nền tảng vững chắc hơn trong nhiều thập kỷ tới. 
Xét trên một phương diện, lịch sử lâu năm của hai nước, khởi nguồn với Thomas Jefferson từ hơn 2 thế kỷ trước, giờ đã quay trở lại điểm ban đầu. Phải mất rất nhiều thời gian và nỗ lực nhưng giờ chúng ta đã có thể nói điều mà trước kia là không tưởng. 
Ngày hôm nay, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác. Và tôi tin rằng kinh nghiệm của chúng ta là bài học cho cả thế giới, ở thời điểm mà nhiều cuộc xung đột tưởng chừng khó giải quyết và dường như không bao giờ kết thúc. 
Chúng ta đã cho thấy một điều rằng: Mối quan hệ có thể thay đổi, và tương lai sẽ khác đi nếu chúng ta không làm tù nhân cho quá khứ. 
Chúng ta đã cho thấy hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh. Chúng ta đã cho thấy giá trị con người đem lại lợi ích tốt đẹp nhất khi hợp tác chứ không phải trong xung đột. Đó là điều mà Việt Nam và Mỹ có thể chỉ ra cho thế giới.
Mối quan hệ đối tác toàn diện mới giữa Mỹ và Việt Nam bắt nguồn từ một sự thật cơ bản. Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và không nước nào có thể áp đặt hoặc quyết định vận mệnh của các bạn.
Nước Mỹ có một mối quan tâm. Chúng tôi quan tâm tới sự thành công của Việt Nam. Nhưng quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu. Và trong phần thời gian còn lại của nhiệm kỳ, tôi muốn chia sẻ với các bạn điều mà tôi tin rằng có thể dẫn lối cho chúng ta trong những thập kỷ tới.
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng nhau làm việc để tạo ra những cơ hội thực sự và sự phồn thịnh cho nhân dân của mình. Chúng ta đều biết công thức để đạt được thành công kinh tế trong thế kỷ 21. 
Trong nền kinh tế toàn cầu của chúng ta, đầu tư và thương mại sẽ xuất hiện ở bất cứ nơi nào có luật pháp. Bởi không ai muốn phải đi hối lộ để được kinh doanh, không ai muốn bán hàng hoặc đi học khi họ không biết mình sẽ bị đối xử ra sao. 
Trong nền kinh tế dựa trên tri thức, việc làm sản sinh ở nơi người ta có thể tự do suy nghĩ, trao đổi ý tưởng và sáng tạo. Và mối quan hệ đối tác kinh tế thực sự không phải là một đất nước đi khai thác tài nguyên của một nước khác, mà là về đầu tư vào những nguồi tài nguyên lớn lao của chúng ta. 
Đó là con người, kỹ năng và tài năng, dù sống ở làng quê hay thị thành. Và đó là hình thức đối tác mà nước Mỹ đưa ra.
Như tôi đã công bố hôm qua, Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) lần đầu tiên tới Việt Nam sẽ tập trung vào công tác giảng dạy tiếng Anh. Sau thế hệ thanh niên Mỹ tham chiến tại Việt Nam, một thế hệ sẽ tới đây để dạy học, để xây dựng và thắt chặt mối quan hệ bằng hữu giữa chúng ta.
Một số công ty công nghệ hàng đầu và học viện của Mỹ đang bắt tay với các trường đại học của Việt Nam để đẩy mạnh đào tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và y học. 
Bởi vì dù chúng tôi có chào đón thêm nhiều sinh viên Việt Nam tới Mỹ, chúng tôi cũng tin rằng những người trẻ tuổi xứng đáng được đào tạo theo chuẩn quốc tế ngay tại đây, tại Việt Nam. 
Và đó là một trong những lí do khiến chúng tôi rất hào hứng khi mùa thu này, đại học Fulbright Việt Nam sẽ bắt đầu đi vào hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh. Đó là trường đại học dân lập phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, với học bổng toàn phần cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Sinh viên, học giả và các nghiên cứu sinh sẽ tập trung nghiên cứu chính sách công, quản lý, kinh doanh, kỹ thuật, khoa học máy tính và các ngành khai phóng (những môn học được xem là thiết yếu), tất cả mọi thứ, từ thơ của Nguyễn Du, triết học của Phan Chu Trinh cho tới toán học của Ngô Bảo Châu. 
Và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với những doanh nhân trẻ tuổi  bởi chúng tôi tin rằng nếu có thể tiếp cận với các kỹ năng, công nghệ và nguồn vốn mà các bạn cần thì không gì có thể ngăn trở các bạn, Những người phụ nữ Việt Nam tài giỏi cũng không là ngoại lệ. 
Chúng tôi tin rằng bình đẳng giới là một nguyên tắc quan trọng. Từ thời Hai Bà Trưng cho tới nay, những người phụ nữ mạnh mẽ đã giúp Việt Nam tiến lên phía trước. Và có nhiều minh chứng rất rõ ràng cho điều đó. 
Tôi đã nói điều này ở tất cả những nơi tôi từng đặt chân tới. Gia đình, cộng đồng và đất nước sẽ trở nên thịnh vượng hơn nếu phụ nữ có cơ hội bình đẳng để tiến tới thành công trong học tập, công việc và chính trị. Điều đó là đúng ở tất cả mọi nơi, trong đó có Việt Nam.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để khơi dậy tiềm năng kinh tế của các bạn bằng thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). 
Tại Việt Nam, TPP sẽ cho phép các bạn đưa thêm nhiều mặt hàng ra thế giới và thu hút các nguồn đầu tư mới. Tất nhiên thỏa thuận này sẽ đòi hỏi một số cải cách để bảo vệ người lao động và quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và thế giới thực hiện đầy đủ giao ước.
Tôi muốn các bạn biết rằng, với tư cách Tổng thống Mỹ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP bởi như vậy, các bạn cũng có thể mua thêm nhiều hàng hóa của chúng tôi, sản xuất tại Mỹ. Hơn nữa, tôi ủng hộ TPP vì những lợi ích chiến lược quan trọng. 
Việt Nam sẽ bớt bị phụ thuộc vào một đối tác thương mại duy nhất và có được mối quan hệ rộng rãi hơn, với nhiều đối  tác gồm cả Mỹ. TPP sẽ giúp đẩy mạnh hợp tác khu vực, giúp giải quyết vấn đề bình đẳng kinh tế và thúc đẩy nhân quyền với những cải thiện về lương và chế độ làm việc. 
Lần đầu tiên ở Việt Nam, quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập và luật cấm lao động trẻ em được thiết lập và đẩy mạnh. Ngoài ra, TPP cũng có những phương thức bảo vệ môi trường và chống tham nhũng thương mại quyết liệt hơn. 
Đó là điều mà TPP sẽ mang tới cho tất cả chúng ta bởi Mỹ, Việt Nam và các đối tác khác sẽ phải tuân thủ nguyên tắc mà các bên đã cùng nhau đưa ra. Đó là tương lai đang đợi chúng ta. Chúng ta phải đạt được TPP vì sự thịnh vượng và an ninh quốc gia. 
Nhân đây tôi cũng xin được nói đến cấp độ hợp tác thứ hai: hợp tác an ninh Việt-Mỹ.
Với chuyến thăm này, chúng ta đã đưa mối quan hệ hợp tác an ninh lên tầm cao mới, củng cố thêm niềm tin cho những người đang khoác trên mình bộ quân phục. Chúng tôi tiếp tục đề nghị được huấn luyện và cung cấp thiết bị tuần duyên để tăng cường năng lực hàng hải cho Việt Nam. Chúng ta là đối tác cứu trợ nhân đạo trong trường hợp thảm họa xảy ra.
Như công bố tôi đưa ra hôm qua, về việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí, Việt Nam sẽ có được những trang thiết bị quân sự cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia. Và Mỹ đang thể hiện sự cam kết trong tiến trình bình thường hóa quan hệ toàn diện với Việt Nam.
Nói rộng ra thì thế kỷ 20 đã dạy tất cả chúng ta, cả Mỹ và Việt Nam rằng trật tự thế giới, mà an ninh chung phụ thuộc vào, đều bắt nguồn từ những nguyên tắc nhất định. 
Dù lớn hay nhỏ thì chủ quyền của một quốc gia cũng cần được tôn trọng. Và lãnh thổ của họ là không thể xâm phạm. Các nước lớn không được phương hại tới các nước nhỏ hơn. Tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình.
Các cơ chế vùng như ASEAN hay khu vực Đông Á cần tiếp tục được tăng cường. Cá nhân tôi cũng chính phủ Mỹ đều tin rằng, đó là mối quan hệ đối tác mà chúng tôi hướng tới với khu vực này. Đây là tinh thần, là kỳ vọng mà chúng tôi đã thúc đẩy từ đầu năm nay, khi tôi trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Lào.
Tại Biển Đông, Mỹ không phải là bên tranh chấp, nhưng chúng tôi sẽ sát cánh cùng đối tác thúc đẩy các nguyên tắc cốt lõi như tự do hàng hải, tự do hàng không, các quyền lợi hợp pháp không thể bị ngăn cản và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp thông qua biện pháp pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Obama tại Hà Nội - Ảnh 4.
Và khi chúng ta hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa trong những lĩnh vực mà tôi vừa nêu ở trên, thì quan hệ đối tác của chúng ta sẽ bao gồm một yếu tố nữa: giải quyết những khác biệt còn tồn tại giữa 2 chính phủ, trong đó có vấn đề nhân quyền.
Tôi nói điều này nhé, không phải chỉ có riêng Việt Nam, mà chẳng có quốc gia nào là hoàn hảo. Đã 2 thế kỷ rồi, nhưng nước Mỹ vẫn đang phải nỗ lực để đạt được những lý tưởng chúng tôi đề ra từ khi lập quốc. 
Chúng tôi vẫn đang phải sửa chữa thiếu sót của mình - như tiền chi phối chính trị quá nhiều, bất bình đẳng trong các tầng lớp xã hội ngày một gia tăng. Định kiến về chủng tộc còn tồn tại trong hệ thống tư pháp hình sự. Dù làm cùng một loại công việc, nhưng phụ nữ vẫn chưa được hưởng mức lương ngang bằng với nam giới. 
Chúng tôi vẫn còn nhiều vấn đề và chúng tôi không né tránh những lời chỉ trích. Tôi xin cam đoan là tôi luôn phải nghe đến những vấn đề này mỗi ngày.
Nhưng chính sự chỉ trích đó, việc tranh luận cởi mở đó, khi chúng tôi đối diện với sự chưa hoàn thiện của mình và cho mọi người đều có quyền được nói tiếng nói của mình, thì nó đã giúp chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn, công bằng hơn.
Như tôi đã nói, Mỹ không tìm cách áp đặt thể chế của mình lên Việt Nam. Những quyền mà tôi nói tới, tôi tin tưởng, đều không phải là giá trị Mỹ, mà tôi cho rằng đó là những giá trị phổ quát được viết trong Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền. 
Hiến pháp Việt Nam cũng đề cập tới quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền được hội họp, quyền được lập hội, quyền được biểu tình. Đó là những gì được viết trong Hiến pháp Việt Nam.
Như vậy, đây thực sự là vấn đề của tất cả chúng ta, của mỗi một quốc gia - những người đang cố gắng quyết tâm tuân thủ các nguyên tắc này, để đảm bảo rằng tất cả chúng ta, những thành viên trong Chính phủ, đều thực tâm hướng tới những lý tưởng đó.
Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ. Việt Nam cam kết sửa đổi luật cho phù hợp với hiến pháp mới theo các tiêu chuẩn quốc tế. Theo luật mới, chính phủ sẽ công khai nhiều hơn về vấn đề ngân sách và người dân có quyền tiếp cận nhiều thông tin hơn.
Như tôi nói, Việt Nam đã cam kết cải cách kinh tế, cải cách lao động theo yêu cầu của TPP. Đây đều là những bước tiến lạc quan.
Và cuối cùng, chỉ có người Việt Nam mới được quyền quyết định tương lai của Việt Nam - mỗi quốc gia đều phải đi con đường đó. Hai quốc gia chúng ta khác biệt nhau về truyền thống, khác biệt về hệ thống chính trị, khác biệt về văn hóa.
Cho phép tôi được nói ra quan điểm của mình, với tư cách là một người bạn của Việt Nam. Tôi tin rằng một quốc gia sẽ thành công hơn khi những giá trị phổ quát được tuân thủ.
...
Việt Nam sẽ có cách làm khác với Mỹ, và mỗi chúng ta sẽ làm khác với những quốc gia trên thế giới, nhưng có những nguyên tắc cơ bản mà tôi tin rằng chúng ta nên cố gắng tuân thủ và cải thiện.
Và tôi nói điều này, với tư cách là người sắp kết thúc nhiệm kỳ, tôi may mắn có gần 8 năm để nhìn lại, quan sát cách chính phủ của chúng tôi hoạt động và tương tác với các nước trên thế giới, nhũng nước cũng đang liên tục nỗ lực cải thiện các bộ máy của mình. 
Cuối cùng, tôi cho rằng quan hệ hợp tác của chúng ta có thể vượt qua các thách thức toàn cầu mà không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được.
Nếu chúng ta có thể đảm bảo sức khỏe của người dân và sự tươi đẹp của hành tinh này thì mới có thể phát triển bền vững, những kỳ quan thiên nhiên như vịnh Hạ Long hay hang Sơn Đoòng phải được gìn giữ cho con cháu của chúng ta. 
Mực nước biển dâng cao đang đe dọa bờ biển và đường thủy, nơi rất nhiều người dân Việt Nam dựa vào đó để sinh sống. Và vì vậy, là một đối tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chúng ta cần phải tuân thủ cam kết đã được ký kết ở Paris.
Chúng ta cần phải giúp đỡ người dân và các ngôi làng, những người sống dựa vào nghề đánh bắt cá, thích ứng với tình hình, mang thêm năng lượng sạch tới những khu vực như Đồng Bằng Sông Cửu Long - vựa lúa của thế giới mà chúng ta rất cần để đảm bảo lương thực cho con cháu đời sau.
Và chúng ta có thể cứu sống nhiều người dân bên ngoài lãnh thổ của mình bằng cách giúp các quốc gia cải thiện những vấn đề như hệ thống chăm sóc sức khỏe, chúng ta có thể ngăn chặn sự bùng phát các dịch bệnh đe dọa mạng sống của tất cả chúng ta.
Và khi Việt Nam cam kết sâu hơn vào nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc thì Mỹ tự hào giúp đỡ huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình của các bạn.
Một điều thực sự đáng chú ý là hai quốc gia của chúng ta, từng đối đầu, nay sát cánh bên nhau và còn giúp đỡ các nước khác giành hòa bình.
Vì thế, mối quan hệ đối tác của chúng ta, ngoài hợp tác song phương, còn cho phép chúng ta giúp định hình môi trường quốc tế theo một cách tích cực.
Việc nhận thức được một cách đầy đủ tầm nhìn mà tôi nêu ra ngày hôm nay không phải diễn ra trong một sớm một chiều, cũng không thể tránh khỏi những vấp váp, thụt lùi. Sẽ có những lúc hiểu lầm. Cần phải nỗ lực không ngừng và đối thoại thực sự để hai bên đều tiếp tục thay đổi.
Nhưng nhìn lại tất cả chặng đường lịch sử và cả những rào cản mà chúng ta đã vượt qua được, tôi đứng trước các bạn ngày hôm nay, vô cùng lạc quan về tương lai chung của chúng ta.
Sự tin tưởng của tôi luôn bắt nguồn từ tình bạn và khát vọng chung của người dân hai nước chúng ta. Tôi nghĩ rằng tất cả người Việt gốc Mỹ, những người đã vượt qua biển cả rộng lớn - một số người là để được đoàn tụ với gia đình lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, và những người, như Trịnh Công Sơn tửng viết trong bài hát của mình, đã dang tay, mở rộng trái tim và nhìn thấy tình người trong nhau.
Tôi nghĩ đến nhiều người Mỹ gốc Việt đã thành công trên chặng đường đời - họ là bác sĩ, nhà báo, thẩm phán, công chức. Một trong số họ, người sinh ở đây, đã viết cho tôi một lá thư và nói rằng nhờ ơn Chúa, ông ấy đã có thể sống Giấc mơ Mỹ của mình, ông tự hào là người Mỹ nhưng cũng tự hào về nguồn gốc Việt Nam của mình
Ngày hôm nay, ông ấy cũng có mặt ở đây, ông ấy quay trở lại mảnh đất nơi mình sinh ra bởi ông ấy nói rằng khát khao cháy bỏng của ông ấy là nâng cao đời sống của người Việt.
Tôi nghĩ về một thế hệ người Việt Nam mới - rất nhiều các bạn ở đây, những người sẵn sàng để lại dấu ấn trên thế giới. Và tôi muốn nói với tất cả những bạn trẻ đang lắng nghe rằng, tài năng, động lực và ước mơ của các bạn, với những điều đó, thì Việt Nam có mọi thứ mà mình cần để lớn mạnh.
Số phận nằm trong tay chính các bạn. Đây là thời đại của các bạn. Và khi các bạn theo đuổi tương lai mà các bạn muốn, tôi muốn các bạn biết rằng, nước Mỹ sẽ ở bên cạnh các bạn, với vai trò là đối tác cũng như bằng hữu.
Nhiều năm sau này, khi mà ngày càng có nhiều người Mỹ và người Việt Nam cùng nhau học tập, cùng nhau hợp tác kinh doanh, sát cánh thúc đẩy quyền con người và bảo vệ hành tinh của chúng ta, tôi hi vọng các bạn sẽ nhớ lại khoảnh khắc này và có thêm hi vọng từ tầm nhìn mà tôi vạch ra ngày hôm nay.
Hoặc, nói như trong cuốn Truyện Kiều các bạn thuộc nằm lòng có câu:
"Rằng trăm năm cũng từ đây.
Của tin gọi một chút này làm ghi"
Cảm ơn các bạn. Cảm ơn Việt Nam! 

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất