Bản Sắc Tị Nạn

Phan Kim Điện

Tái Xây Dựng Bản Sắc Tị Nạn
Vào đầu năm 2000, Trung Tâm Nghiên Cứu William Joiner Center (WJC) của Viện Đại học Massachusetts tại thành phố Boston , thuộc tiểu bang Massachusetts, đã công bố một đề án nghiên cứu có tên là Tái Xây Dựng Bản Sắc và Vị Trí của Cộng Đồng Người Việt Lưu Vong Hải Ngoại { ( Re) Constructing Identity and Place in the Vietnamese Diaspora } . Đề án nghiên cứu này dự trù kéo dài trong ba năm dưới sự tài trợ của tổ chức Rockefeller Foundation.


Qua sự trung gian của Nguyễn Bá Chung, một người Việt Nam đang làm việc tại đây, trung tâm WJC đã mướn hai cán bộ trung cấp của CSVN ở trong nước là Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi phụ trách một phần của đề án nghiên cứu. Nguyễn Bá Chung là một người miền Nam thân cộng, du học tại Hoa Kỳ trước năm 1975. Hoàng Ngọc Hiến nguyên là Giám đốc Học Viện Nguyễn Du , trường đào tạo những người viết văn theo ánh sáng chủ nghĩa Marx-Lenine , Hiến cũng là một cán bộ lý luận, chuyên dạy chủ thuyết Mác Lê, và Nguyễn Huệ Chi là Trưởng ban Lý luận và Phê bình Văn học của Viện Văn Học Hà Nội.
Theo thông cáo của Cộng Đồng Việt Nam tại Massachusetts ngày 27 tháng 8 năm 2000, Trung tâm WJC sẽ tiến hành đề án theo chương trình đã định cũng như sẽ không có sự thay đổi nào về trường hợp của Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi, mặc dù đã gặp sự phản đối rất mãnh liệt của Cộng Đồng Người Việt tại Massachusetts nói riêng cũng như các cộng đồng người Việt hải ngoại trên khắp thế giới nói chung, yêu cầu loại bỏ hoặc thay thế hai nhân vật CSVN ra khỏi chương trình nghiên cứu.
Đến đây thì hai câu hỏi căn bản được đặt ra : tại sao WJC lại đặt tên cho đề án là Tái Xây Dựng Bản Sắc ? Tại sao lại thực hiện đề án vào thời điểm này và mời thủ phạm vẽ lại căn cuớc của nạn nhân ?
Chúng ta có thể tìm ra các câu trả lời, sau khi phân tích toàn thể các sự kiện liên quan đến đề án .
Theo tài liệu do trung tâm WJC phổ biến, đề án nghiên cứu sẽ qua các giai đoạn sau đây
1- Năm thứ nhất : tập trung vào chủ đề “ Nghiên cứu và giải thích lịch sử Việt Nam ”
2- Năm thứ hai : tập trung vào chủ đề “ Những ý kiến phát biểu về các vấn đề nghiên cứu văn học, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trong các cộng đồng người Việt lưu vong trên khắp thế giới.
3- Năm thứ ba : kết quả nghiên cứu của hai năm đầu sẽ được xử dụng làm tài liệu căn bản cho chủ đề nghiên cứu chính yếu là “ Xây dựng và Tái Xây dựng Bản sắc và Vị trí của cộng đồng người Việt phân tán trên khắp thế giới trong viễn cảnh lâu dài ”
4- Cuối cùng là phần tổng kết các thành tựu của các cuộc nghiên cứu, sẽ được làm tài liệu giáo dục tại các trường đại học và lưu giử tại Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ.
Trong tiến trình nghiên cứu nói trên, Hoàng Ngọc Hiến sẽ phụ trách về “ văn phong, chủ đề và những nguồn sáng tác ở hải ngoại. Đăïc biệt chú trọng về tình yêu và sự gắn bó với quê hương ”. Nguyễn Huệ Chi sẽ sưu tầm và phân tích “ các tác phẫm văn hóa cổ điển Việt Nam, sự nối tiếp, thay đổi và biến dạng của hình thái này trong môi trường hải ngoại ”. Trung tâm WJC cũng giãi thích là phần nghiên cứu của Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi chỉ là một phần trong đề án.
Nhưng nếu nhìn vào chi tiết hơn, sẽ thấy đề án nghiên cứu có nhiều đề tài “ gợi ý thuận lợi ” và sẽ là những cơ hội rất tốt để phe thủ phạm tiến hành công việc “ tái xây dựng bản sắc ” của các nạn nhân ; đó là các đề tài nói về Lịch Sử , về Văn Học, về Ngôn Ngữ và Văn Hoá Việt Nam , trong đó phạm vi nghiên cứu của Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi nằm trong đề tài Văn Học.
I- Tại Sao Lại Là Tái Xây Dựng Bản Sắc ( Re Constructing Identity ) ?
Như đã nói, cái tên của đề án đã gây những thắc mắc lớn .
Tại sao lại là Tái Xây Dựng Bản Sắc, nôm na là vẽ lại cái căn cước ?
Tại sao lại dùng căn cước được vẽ lại của người tị nạn để làm tài liệu giáo dục trong học đường và lưu trữ trong thư viện Hoa Kỳ ?
Chúng ta hãy thử tìm hiểu…
Khi xử dụng nhóm chữ “ Tái Xây Dựng Bản Sắc ” hay là Tái Giải Thích Bản Sắc cho Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Hải Ngoại ( CĐNVTNHN), phải chăng trung tâm WJC cũng như ông Nguyễn Bá Chung đã biết rất rõ rằng CĐNVTNHN vốn đã có một Bản Sắc Nguyên Thủy, đó là Bản Sắc Tị Nạn CS hay nói cách khác là Bản Sắc Tị Nạn Chính Trị !
Hẵn họ cũng ý thức được một điều quan trọng là không dễ gì mà phủ nhận được cái bản sắc nguyên thủy ấy. Do đó, muốn tái xây dựng lại cái bản sắc tị nạn chính trị, muốn vẽ lại cái căn cước của người tị nạn, không gì hợp lý cho bằng khoác lên trên cái bản sắc nguyên thủy ấy một lớp áo mới, xử dụng một đề án nghiên cứu có tính thuyết phục do một viện Đại Học có uy tín tại Hoa Kỳ thực hiện với các đề tài về Lịch Sử và Văn Hóa; mà như đã nói ở trên, đó là những đề tài rất thuận lợi cho công việc tái xây dựng bản sắc, vẽ lại cái căn cước mới của người tị nạn.
Vì chưng, Lịch Sử và Văn Hóa được ví như dòng nước , nghĩa là luôn luân lưu, không tỉnh mà động, luôn luôn biến thiên rất đa dạng, có thể giải thích dưới các quan điểm và góc cạnh khác nhau. Bởi các đặc tính ấy, cho nên văn hóa và lịch sử, nhất là lịch sử , rất dễ dàng bị bóp méo hay vo tròn tùy theo ý muốn của người viết . Cũng không có một luật định hay một định luật nào có thể ngăn chận được người viết đưa ra cái nhìn một chiều và phiến diện nếu họ muốn. Thiết tưởng chúng ta đã có kinh nghiệm về vấn đề này, vì chúng ta đã từng là nạn nhân của những sự bóp méo từ phía các sử gia cộng sản cũng như các sử gia thiên tả trên thế giới, khi họ viết về chiến tranh Việt Nam bằng cái nhìn một chiều và thiên lệch của họ.
Nhưng, những yếu tố mà chúng tôi vừa trình bày , chỉ là một phần giải đáp của câu hỏi : tại sao lại là Tái Xây Dựng Bản Sắc ! Để bổ túc cho đầy đủ , cần phải có một sự nhận định rõ ràng hơn nữa về Bản Sắc Tị Nạn Chính Trị của chúng ta.
Như đã nói, Bản Sắc Tị Nạn Chính Trị của cộng đồng người Việt hải ngoại đã được minh định sau khi miền Nam Việt Nam bị CS Bắc Việt cưỡng chiếm. Chỉ cần giở lại hàng triệu hồ sơ tị nạn đang được lưu trữ tại Phủ Cao Ủy Tị Nạn LHQ, người Việt tị nạn CS có thể nhìn lại cái bản sắc nguyên thủy của mình, trong đó, mỗi trường hợp tị nạn là một vết thương. Những vết thương tị nạn rất đa dạng, đủ cở, đủ kiểu, nặng nhẹ khác nhau, có nhiều vết thương chưa lành, vẫn còn rỉ máu mỗi lần bị khơi dậy.
Thật vậy, chưa có một cuộc tị nạn chính trị nào lại đặc biệt như cuộc tị nạn CS của người Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 20. Hàng triệu người phải rời bỏ quê hương ngay khi chiến tranh chấm dứt và đất nước được gọi là thống nhất độc lập, khi “ giang sơn đã thu về một mối ” như những người CS thường rêu rao.
Cuộc tị nạn có những đặc điểm sau đây :
1- Dài nhất : Nếu lấy ngày 30 tháng tư năm 1975 làm mốc thời gian, thì cuộc tị nạn CS tính đến nay đã hơn 25 năm mà vẫn chưa kết thúc. Theo tài liệu của cơ quan Cứu Người Vượt Biển People SOS, cho đến bây giờ vẫn còn rất nhiều hồ sơ xin tị nạn chính trị chưa được giải quyết. Lịch sử thế giới trước năm 1975, chưa có một cuộc tị nạn nào mà thời gian kéo dài đến một phần tư thế kỷ.
2- Trải rộng nhất : tổng cộng có ba triệu người Việt tị nạn CS đang sống trên dưới 100 quốc gia tại Á châu, Âu Châu, Mỹ Châu và cả Phi Châu. Trong lịch sử Việt Nam từ cỗ chí kim, không có giai đoạn nào mà người VN phải đi tị nạn rải rác trên khắp thế giới như hiện nay. So với cuộc di cư chạy CS vĩ đại nhất vào năm 1954 của một triệu đồng bào bỏ miền Bắc vô Nam, số người tị nạn năm 1975 đi ra ngoại quốc đã tăng lên gấp 3 lần. Có thể nói, nếu có điều kiện, thì cả nước đã đi tị nạn. Một câu nói phổ thông trong miền Nam mà đến trẻ con cũng biết, đó là : cây cột đèn nếu có chân nó cũng sẽ tìm đường vượt biên.
3- Ba thế hệ cùng tị nạn : có rất nhiều gia đình gồm ba thế hệ ông, cha và con cùng tị nạn một lúc. Nhiều gia đình đã trốn lánh CS ba lần : một lần từ khu chạy về thành, một lần từ Bắc vào Nam và một lần từ Việt Nam ra ngoại quốc.
4- Thảm khốc nhất : trong tổng số người vượt thoát chế độ CSVN, có ít nhất là 1/4 nạn nhân đã không đến được bến bờ tự do, nghĩa là khoảng gần một triệu người đã chết. Họ chết trên đường vượt biên bằng đường bộ, tại biên giới Việt – Miên và Thái- Miên, nhưng nhiều nhất là tử nạn trên biển Nam Hải bởi các nguyên nhân như đói khát, sóng gió, hải tặc. Nói đến hải tặc là phải nói đến thãm nạn của hàng ngàn phụ nữ Việt Nam, họ bị hãm hiếp , bị giết chết, hoặc bị đưa đến các động mãi dâm trên đất Thái.
5- Phương tiện thiếu an toàn nhất : để vượt hàng ngàn hải lý trên đại dương, người tị nạn đã xử dụng những chiếc thuyền bé tí teo chẳng khác nào như chiếc lá tre nổi trôi trên biển cả mênh mông đầy sóng gió. Đây là hành động liều lĩnh chưa từng thấy, chứng tỏ rằng họ chấp nhận mọi rủi ro kể cả cái chết, để đi tìm tự do. Từ sự kiện này, danh từ Thuyền-Nhân ( Boat People ) đã ra đời. Có thể nói, đây là một từ ngữ mới trong ngôn ngữ lịch sử tị nạn của nhân loại vào cuối thế kỷ 20. Danh từ Thuyền Nhân trở nên rất phổ thông và khi nói đến Thuyền Nhân là cả thế giới đều biết xuất xứ của những ngưởi này là từ nước Việt Nam Cộng Sản.
6- Trại tị nạn nhiều nhất : Thật là một sự trớ trêu, trong khi có những người Việt vốn là đồng bào ruột thịt cùng chung nòi giống, nhưng lại đối xử với người đồng chủng như là kẻ thù truyền kiếp, thì những người khác giống lại ra tay cứu vớt người Việt. Hàng trăm trại tị nạn đã mọc lên như nấm tại Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Hồng Kông để đón người vượt biển từ hai miền Nam Bắc. Ngoài ra, còn phải kể đến một trại tị nạn do Hoa Kỳ thiết lập trong những ngày đầu tiên trong tháng 4/75 tại đảo Guam có tên là Tent City, một trại trên đảo Wake và ba trại lớn trên lục địa Hoa Kỳ là trại Indiantown Gap ở tiểu bang Pennsylvania, trại Pendleton tại California và trại Fort Chaffee tại Akansas.
Bản Sắc Tị Nạn Chính Trị cũng đã được xác định rõ trên giấy trắng mực đen. Muốn được đón nhận vào một quốc gia thứ ba dưới diện tị nạn ( refugee) , người vưọt biên hay thuyền nhân phải chứng minh rằng mình là nạn nhân của CSVN, trực tiếp hoặc gián tiếp bị ngược đãi, bị kỳ thị, bị khủng bố, bị đe doạ đến tính mạng . Những lời xác nhận nói trên đã khẳng định rằng chính cái chế độ CS tại Việt Nam là nguyên nhân khiến cho người dân phải rời bỏ quê hương để đi tìm tự do. Hành động rời bỏ quê hương không có nghĩa chối bỏ quê hương mà là chối bỏ Cộng Sản, không muốn sống chung với CS. Nói cách khác, đây là một cuộc bỏ phiếu bằng chân, bày tỏ thái độ chính trị của người tị nạn.
Chính Bản Sắc Tị Nạn Chính Trị của cộng đồng người Việt tại hải ngoại đã làm cho chúng ta khác với các cộng đồng bạn, vốn là những kiều bào của nước họ như cộng đồng Hoa Kiều, Hàn Kiều, Nhật Kiều ….hầu hết những người này đến Mỹ dưới dạng di dân, không vì lý do chính trị.
Như đã nói ở trên ,vì Bản Sắc Tị Nạn Chính Trị đã được xác định rõ ràng như thế, nên trung tâm WJC khó thể phủ nhận, do đó nên mới có đề án “ Tái Xây Dựng Bản Sắc ” .
Trở lại câu hỏi tại sao trung tâm WJC lại thực hiện công việc tái xây dựng bản sắc người tị nạn chính trị trong giai đoạn hiện tại ?
Đến đây, thì một giả thuyết được đặt ra : phải chăng vì họ đã nắm trong tay đầy đủ những yếu tố, đã có trong tay những tài liệu có thể xử dụng được để vẽ lại cái bản sắc nguyên thủy của cộng đồng tị nạn CS ?
Chúng tôi xin chứng minh bằng những dữ kiện sau đây :
II- Những hiện tuợng làm biến đổi và đánh mất bản sắc Tị Nạn Chính Trị.
Nhìn lại 25 năm qua, trong cộng đồng người Việt tị nạn chúng ta thấy có nhiều hiện tuợng có tác dụng làm biến đổi bản sắc hoặc tự đánh mất bản sắc Tị Nạn Chính Trị của mình. Xin được liệt kê :
A- Hiện tuợng Việt Kiều hóa.
Trước hết, cần định nghĩa Việt Kiều là gì ?
Theo Việt Nam Tự Điển của Lê văn Đức , Quyển Thượng, trang 699, thì có bốn định nghĩa liên quan đến chữ Kiều.
- Kiều đt. Ngụ, tạm trú :Huê kiều, Ấn kiều, Pháp kiều, ngoại kiều, Việt kiều hải ngoại.
- kiều bào dt. Đồng bào ở nước khác : mỗi sứ quán đều có sổ lý lịch kiều bào của họ.
- kiều cư đt .Ở làm ăn nước ngoài : Người Tàu kiều cư khắp thế giới.
- kiều dân dt. Dân nước khác cư ngụ trong nước mình : Kiều dân thường có quy chế riêng.
Theo định nghĩa của danh từ kiều bào, thì nguyên thủy, người Việt tị nạn hải ngoại không phải là Việt kiều. Các toà đại sứ Việt Cộng trên nguyên tắc không có quyền thu thập, lưu trữ lý lịch của những người tị nạn, vì người tị nạn không bao giờ thống thuộc vào sự quản trị của các tòa đại sứ. Nhưng kể từ khi người tị nạn trở về Việt Nam , tình nguyện làm đơn phủ nhận tư thế tị nạn của mình, thì vô hình chung họ đã tự biến mình thành Việt kiều song tịch, với lý lịch hoàn toàn nằm trong sự khống chế của CSVN .
Một hiện tượng khác cũng cần nêu lên ở đây, là phần đông người Việt hải ngoại đã quá thờ ơ về cái chính danh Tị Nạn của mình. Danh từ người Việt Tị Nạn bị đồng hoá lần hồi bởi danh từ Việt kiều qua báo chí, sách vở của CS lan tràn ra hải ngoại, cho đến một lúc nào đó, người tị nạn mặc nhiên công nhận mình là Việt kiều , và không mấy ai lên tiếng đính chánh sự sai lầm ấy.
Đó là về phần chúng ta.
Về phía CSVN, thì hiện tượng Việt- kiều – hóa được trải qua các giai đoạn :
- Giai đoạn 1975-1989 : người tị nạn lúc bấy giờ bị CS mạt sát rất nặng nề là thành phần ma cô đỉ điếm, những kẻ ngại khó khăn, những kẻ không có thiện chí xây dựng đất nước , những kẻ phản bội quê hương.
- Giai đoạn từ 1989 trở đi : khi Nguyễn Văn Linh tuyên bố chính sách mở cửa, cởi trói tư duy , thì CSVN bèn đổi giọng, thành phần ma cô đỉ điếm truớc đây bỗng trở thành những khúc ruột xa ngàn dặm, những khúc ruột nối dài với những khúc ruột tại quê nhà, hay nói như ông Lê Xuân Khoa là “ nối một nhịp cầu ”. Ở đây, chúng ta có thể thấy ngay sự thay đổi bản sắc của một người hành nghề giúp người tị nạn như ông Lê Xuân Khoa. Khi lòng nhân đạo của thế giới đã mỏi mệt, các trại tị nạn lần lượt đóng cửa, Cao Ủy Tị Nạn LHQ chấm dứt trợ cấp ngân khoản, thì một nhân vật từng cứu người vượt biển như ông Lê Xuân Khoa liền đổi hướng 180 độ, “ bắt một nhịp cầu ” ngay lập tức với thủ phạm đã gây ra thảm trạng tị nạn. Đây là một bằng chứng có giá trị rất thuyết phục về sự thay đổi bản sắc, vì chính ông Lê Xuân Khoa là một người đã “ từ trong lòng những người tị nạn ” mà ra !
- Như đã nói ỏ trên, danh từ Việt Kiều dần dần xâm nhập vào cộng đồng tị nạn hải ngoại và trở thành quen thuộc, mọi người xử dụng một cách thoải mái ! Thế là, ma cô đỉ điếm trở thành khúc ruột ngàn dặm , rồi trở thành Việt Kiều. Nhan nhản trên các cơ quan truyền thông của người Việt tị nạn, các bản tin xử dụng danh từ Việt Kiều được sao y bản chính từ các báo của VC như Việt kiều Nguyễn Trung Trực từ Úc về nước làm ăn, ca sĩ Việt kiều Elvis Phương, Hương Lan về nước trình diễn v.v…
- Hàng năm, con số người Việt hải ngoại về Việt Nam đã lên đến hàng trăm ngàn với hàng ngàn lý do khác nhau. Một điều cần phải nói, hành động về Việt Nam không có nghĩa là một hành động chấp nhận CS, nhưng không ai có thể ngăn cản CSVN xử dụng việc đi về VN của người tị nạn để chứng minh rằng bản sắc tị nạn đã thay đổi, cũng như trước đây, LHQ đã xử dụng việc đi về Việt Nam của những người tị nạn như là một lý cớ để chấm dứt chương trình tị nạn.
B- Hiện tuợng hô hào xóa bỏ lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ
Chúng ta ai cũng biết, lá cờ vàng ba sọc đỏ là một biểu tượng cụ thể và sống động của CĐNVHN , ở đâu có người tị nạn CS, ở đó có cờ vàng . Tất cả các sinh hoạt của người Việt hải ngoại, từ văn hoá, giáo dục đến chính trị đều được tổ chức dưới bóng cờ vàng; và cờ vàng đã mặc nhiên trở thành biểu tượng của tự do, dân chủ.
Hiện nay, cộng đồng người Việt trên khắp thế giới bằng mọi cách, đã xây dựng nhiều kỳ đài Việt Nam , giương cao ngọn cờ tự do. Tại Hoa Kỳ, những thành phố có đông người Việt cư ngụ đều có kỳ đài như Houston, Arlington tại Texas, quận Cam , San José tại California, tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Philadelphia, Arizona. Chưa kể mỗi khi có các vụ biểu tình xuống đường chống đối bọn CSVN, thì cờ vàng lại có dịp tung bay rợp trời.
Từ trước tới nay, CSVN đã tìm đủ mọi cách để thi hành một sách lược triệt hạ lá cờ tự do. Ngoài thái độ thiếu ý thức chính trị của một số người đã vô tình tiếp tay làm lợi cho CS, sách lược triệt hạ lá cờ tự do đã được CS thi hành dai dẳng nhất , do tay sai và những kẻ nằm vùng tại hải ngoại thực thi dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng chung qui vẫn xử dụng các lập luận sau đây : phi chính trị, không treo cờ ; lá cờ đã thuộc về dỉ vãng, không được quốc tế công nhận; lá cờ vàng là biểu tượng gây chia rẽ trong cuộc tranh đấu chung; và đặc biệt, phải kể đến hiện tượng Trần Truờng treo cờ đỏ hình Hồ tại California vào đầu năm 1999, một phương thức phô trương cờ đỏ công khai bằng cách nhân danh quyền tự do ngôn luận .
1- Lập luận phi chính trị
Ngay từ những ngày đầu tiên tị nạn và cho tới bây giờ, chiêu bài phi chính trị đã được phổ biến nhằm vô hiệu hóa các sinh hoạt đấu tranh. Những sinh hoạt mang tính văn hóa, giáo dục, tôn giáo đều được khoác lên một lớp áo phi chính trị; chiêu bài phi chính trị được xử dụng như một lý do để không treo cờ, không chào cờ trong các sinh hoạt mang tính văn hóa, giáo dục, tôn giáo. Trong những ngày đầu tị nạn, đã có những nơi tổ chức Tết Nguyên Đán không treo cờ, viện cớ rằng đó là một sinh hoạt thiên về truyền thống văn hóa phong tục, không liên quan đến chính trị và đứng trên chính trị. Mặc dù chiêu bài phi chính trị hiện nay đã trở nên lỗi thời và không còn hiệu quả – vì chính những người chủ xướng phi chính trị đã không thể phủ nhận cái tư cách tị nạn chính trị của họ; hơn nữa hiện nay tất cả các sinh hoạt của người Việt hải ngoại đều bắt đầu bằng nghi thức chào lá cờ tự do, và nghi thức ấy đã trở thành một truyền thống, khiến luận điệu phi chính trị của họ trở nên lạc lỏng .Tuy nhiên, bài viết của những người bài xích việc chào cờ vàng dưới chiêu bài phi chính trị sẽ là những tài liệu rất có lợi cho CS.
2- Lập luận lá cờ vàng không được quốc tế công nhận và đã thuộc về dỉ vãng.
Đây là một lập luận được cho là hợp lý nhất . Họ đưa ra những dữ kiện có thật : Miền Nam đã sụp đổ, chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã không còn, CSVN là thành viên của LHQ, lá cờ đỏ đã hiện diện tại trụ sở LHQ, vậy thì lá cờ vàng đã thuộc về dỉ vãng. Nguyệt san Thế Kỷ 21 số 140 tháng 12 năm 2000, trong mục Bạn Đọc Viết trang 8, có người cũng đã lặp lại như thế : …..“ Dĩ nhiên lá cờ ấy thuộc về dĩ vãng .Nó không thể là tượng trưng chung cho cuộc đấu tranh cho tự do của cả dân tộc hiện nay .”
Nhưng, những người đưa ra lập luận và những người có cùng quan điểm với lập luận nói trên đã không nhìn thấy một bài học lịch sử hiện đại : quốc kỳ của Nga đã bị cờ búa liềm của Liên Bang Sô Viết thay thế hơn 70 năm, trong giai đoạn đó, cả thế giới không quốc gia nào công nhận lá cờ cũ của Nga, và lá cờ này quả thật có một thời đã thuộc về dỉ vãng; nhưng khi đế quốc Liên Sô sụp đổ, thì lá cờ cũ của nước Nga liền được hồi phục và thay thế cho lá cờ búa liềm. Bên cạnh nước Nga là hàng loạt các quốc gia Đông Âu cũng đã phục hồi lại lá quốc kỳ nguyên thủy của họ sau khi chế độ CS tại các quốc gia này bị cáo chung. Như vậy niềm tin lá cờ vàng tự do sẽ tung bay trở lại trên bầu trời Việt Nam không phải là vô căn cứ, và lập luận lá cờ tự do đã thuộc về dĩ vãng là lập luận của những người không học hoặc không đọc lịch sử, hoặc có biết nhưng cố tình làm ngơ.
3- Cờ vàng là biểu tuợng gây chia rẽ .
Thật là một điều trớ trêu , trong khi chúng ta đã từng mỏi miệng, khô cổ kêu gào, hô hào đòan kết dưới bóng cờ vàng biểu tượng của chính nghĩa tự do trong công cuộc đấu tranh hiện nay, thì một hiện tượng có tác dụng xoay chiều đang xảy ra ; lá cờ vàng đang bị tấn công là biểu tượng của sự chia rẽ, bằng lập luận như dưới đây :
Đến giờ này mà báo Thế Kỷ 21 còn đề cao cờ xí làm gì, cờ có cái gì là quan trọng đâu, đề cao lá cờ một phía chỉ tổ làm chia rẽ người Việt hải ngoại đang chống lại chế độ độc tài trong nước. ( Thế Kỷ 21 số 140 tháng 12 năm 2000, trang 8)
Một vụ không treo cờ vàng trong buổi họp sinh hoạt chính trị tại Pháp cũng đã xảy ra vào đầu năm 2000, với lập luận chào cờ vàng ba sọc đỏ không có lợi cho sự kết hợp.
Sự việc xảy ra trong buổi họp ở chùa Khánh Anh tại Ba Lê, gồm có các hội đoàn người Việt bàn về kế hoạch chống đối Lê Khả Phiêu sắp sang Pháp. Một số hội đoàn yêu cầu chào cờ, một số hội đòan chối quanh nói rằng họ không phải là trưởng ban tổ chức nên không thể quyết định, và chung cuộc là không treo cờ nên không có chào cờ. Sau đó, ông Dương văn Lợi, một tù nhân chính trị trong nhóm 48 Quyết Tiến đang sống tại Pháp, lên tiếng báo động và phổ biến bài viết của ông trên internet.
Lập tức, một người tên là Bích Vũ cũng bày tỏ ý kiến trên internet, gián tiếp phản bác ý kiến của ông Duơng văn Lợi bằng những lời lẽ như sau :
“ Đôi khi vì một số công tác cấp bách, nhất là nhiều người, nhiều đoàn thể tham dự để đánh tên đầu sỏ chúa đảng VC là chủ điểm mà thông qua việc chào quốc kỳ. Vì muốn đạt được mục tiêu trước, nhất là trong đó có những đoàn thể được coi là thiên tả như nhóm ông Nguyễn Gia Kiểng, họ muốn lôi kéo thành phần đến Pháp sinh sống lâu đời đã có nhiều liên hệ với chế độ VC. Việc phê bình buổi họp bàn chống đánh tên chúa đảng lê khả phiêu lẽ ra nên góp ý tế nhị và vừa phải để mọi người còn ngồi lại bàn bạc tiến hành công tác mới là người hiểu biết, biết đặt mục tiêu tối hậu lên trên. Chứ ai đơì không chào quốc kỳ lại làm loạn lên để tan hàng thì việc lợi không thấy mà hại đã nằm sẵn trước mặt. Vậy việc đòi hỏi chào quốc kỳ như vậy có lợi cho đại cuộc hơn, hay biết chấp nhận một cách dung dị để đập cho thằng chúa đảng vỡ mặt, đàng nào lợi hơn và khôn ngoan hơn. Cho nên nói lãnh đạo thì dễ nhưng có bản lãnh và tầm nhìn của người lãnh đạo chả phải muốn là được. Những tay mơ chưa đủ trình độ khả năng, năng ăn năng nói không hiểu lợi bất cập hại thì chỉ làm thiệt hại đến đại cuộc. Mục tiêu thì coi là phương tiện, phương tiện lại cho là mục tiêu. Đó cũng là bài học hữu ích và phải trả một cái giá cũng không phải là nhỏ.”
Lập luận trên đây tượng trưng cho chiều hướng đấu tranh được mệnh danh là “ theo xu thế thời đại ” của một số tổ chức chính trị hiện nay đang chủ trương kết hợp trong ngoài. Các tổ chức này chủ trương kết hợp với tất cả, trong đó gồm có những phần tử thiên tả, thành phần có nhiều liên hệ với chế độ VC , và với thành phần CS được mệnh danh là bỏ đảng ly khai (nhưng không chấp nhận cờ vàng).
Qua lập luận nói trên của ông Bích Vũ , chúng ta có thể nhìn thấy lá cờ chính nghĩa tự do tượng trưng cho bản sắc của người tị nạn CS bị đặt xuống hàng thứ yếu , hay nói trắng ra, lá cờ đã bị làm vật tế thần cho chiêu bài kết hợp.
Chúng ta không phủ nhận kết hợp là một nhu cầu cần thiết, nhưng chủ trương xem lá cờ chính nghĩa chỉ là phương tiện cần phải hy sinh cho sự kết hợp, vì cần kết hợp nên phải loại bỏ lá cờ vàng là một sai lầm rất lớn về chiến lược, là hành động tự chối bỏ cái bản sắc chính trị của mình một cách quá rõ ràng không thể chối cãi và là một thái độ tự nguyện buông xuôi không muốn giữ màu cờ sắc áo. Đây là một điều mà CSVN luôn luôn mong mõi, một ngày nào đó lá cờ vàng tự dưng biến mất trong tiến trình đấu tranh cho dân chủ, tự do.
Thiết tưởng, cộng đồng tị nạn từ ngày 30 tháng tư 75 cho đến nay, sở dĩ tụ hội được thành một khối là nhờ tập hợp dưới lá cờ vàng, biểu tượng của chính nghĩa tự do. Nếu lá cờ của chính nghĩa tự do không còn được tôn trọng, không còn được xem là một biểu tượng chung của người tị nạn , thì chính nghĩa coi như không còn và cộng đồng tị nạn sẽ phân hoá một cách trầm trọng , vô phương cứu chữa. Sự kết hợp nhiều thành phần qua phương thức chối bỏ lá cờ vàng, rõ ràng là một hành động chia rẽ cộng đồng tị nạn được ngụy trang dưới chiêu bài kết hợp, không hơn không kém ! Một điều quan trọng hơn nữa, nếu không kết hợp dưới lá cờ vàng, thì kết hợp dưới lá cờ nào đây ?
Ngoài ra, lập luận cho rằng “ đánh ” Lê Khả Phiêu là mục tiêu tối hậu, và sự hiện diện của lá quốc kỳ không cần thiết là một lối bào chữa gượng ép và là một nhận xét vô cùng nông cạn ấu trỉ và ngược đời. Phải nói cho đúng, việc dàn chào Lê Khả Phiêu chỉ là một công tác cấp thời, trong khi công cuộc đấu tranh cho dân chủ tự do mới là mục tiêu tối hậu. Nếu theo phương thức kết hợp như ông Bích Vũ nào đó đã cổ võ, thì chỉ qua vài lần kết hợp, lá cờ chính nghĩa đại diện cho bản sắc của những người tị nạn yêu chuộng dân chủ tự do sẽ hoàn toàn biến mất.
Tóm tắt, đây là một hành động tự chối bỏ cái bản sắc của mình một cách quá rõ ràng không thể chối cãi, nhưng nguy hiễm hơn hết, nó là một hình thái xoay chiều cuộc đấu tranh, với dụng ý vô cùng nguy hiễm và thâm độc là loại bỏ lá cờ vàng một cách tiệm tiến.
Như thế thì có lợi cho ai ?
Chắc chắn là có lợi cho CSVN !
4- Hiện tượng Trần Trường
Chắc chúng ta chưa quên vào cuối năm 1999, Trần Trường treo cờ đỏ và hình Hồ tại tiệm Hitek của anh ta tại khu Bolsa, rồi gửi thư khiêu khích cộng đồng người Việt tị nạn tại đây. Hành động này dẫn đến các cuộc xuống đường của đồng bào California liên tục trên một tháng trời với số người tham dự có lúc lên cao nhất là 50 ngàn , và kết cuộc là lá cờ đỏ và hình Hồ bị dẹp bỏ.
Không phải tự dưng mà có hiện tượng Trần Trường, cũng như qua tiến trình kiện cáo tại toà án Santa Anna với sự can thiệp của cơ quan ACLU bênh vực quyền tự do ngôn luận cho Trần Trường, chúng ta thấy CS muốn dùng luật pháp Hoa Kỳ để áp đặt người Việt tị nạn CS phải chấp nhận sự hiện diện của lá cờ máu và hình Hồ trong cộng đồng của người tị nạn. Nhưng CSVN đã được một bài học chua cay về quyết tâm của người tị nạn nhất định chống lại âm mưu phô trương lá cờ đỏ nhân danh quyền tự do ngôn luận, đồng thời cũng là một kinh nghiệm đấu tranh thực tế cho CĐNVTNHN. Cùng lúc, chúng ta cũng nhận diện được một số người đâm sau lưng cộng đồng tị nạn .
C- Hiện tượng xoá bỏ lằn ranh Quốc Cộng !
Đề nghị xoá bỏ lằn ranh Quốc Cộng đã được nhiều người CS cũng như “ quốc gia ” cổ võ, một trong những người này, chúng ta không thể không nhắc đến một nhân vật lãnh đạo cao cấp trong chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, ông đã công khai tuyên bố nên xóa bỏ lằn ranh Quốc- Cộng. Bài nói chuyện của ông có thể là một tài liệu hữu ích cho trung tâm W JC trong việc chứng minh bản sắc “ quốc gia không cộng sản ” trong lòng người tị nạn đã không còn , ít ra là trong lòng của nhân vật lãnh đạo cao cấp nói trên .
Một cách tổng quát, hiện tượng xóa bỏ lằn ranh Quốc -Cộng được “ diễn biến ” bằng những lập luận :
1- CSVN đã biến chất không còn là CS nữa . Những tên chóp bu cầm quyền ở VN không còn quan tâm đến chủ thuyết CS , chính các đảng viên CS cũng không tin tưởng vào chủ thuyết Mác Lê, chúng chỉ lấy chủ thuyết Mác Lê làm tấm bình phong để che đậy hành vi ăn cướp. Đảng CS đã biến thành đảng cướp Mafia, và các đảng viên bây giờ chỉ là những tên ăn cướp, hay nói cho đúng hơn, chúng chỉ là những tên tư bản đỏ.
2- Cuộc tranh đấu ngày nay không còn là một cuộc tranh đấu giữa chính và tà, giữa
quốc gia và CS mà là cuộc tranh đấu giữa cái đúng và cái sai, giữa cái lạc hậu và
tiến bộ. Kẻ thù chung của dân tộc ngày hôm nay là sự chậm tiến và ngu dốt chứ
không phải là CS.
Thực tế, những lập luận trên đây chỉ là những cái bẫy ru ngũ của CS , vì :
- Nhóm CS đang cầm quyền lúc nào cũng khẳng định và tái khẳng định lấy chủ thuyết Mác Lê, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam . Hà Nội cũng không bao giờ có chủ trương xoá bỏ lằn ranh quốc cộng hay hòa hợp hoà đồng dân tộc, vẫn nhất quyết giử chặt giới tuyến ta và thù, cũng như tiếp tục xác định đảng CS có “ nhiệm vụ lãnh đạo ” toàn dân. Ngay cả Trần Độ, một nhân vật được hải ngoại coi là chống đảng cũng không hề có ý kết hợp với người quốc gia trong cuộc đấu tranh chung hiện nay, qua lời khẳng định rất rõ ràng cái ý niệm độc quyền xử dụng ngọn cờ dân chủû và vẫn gọi chúng ta là “ thù nghịch ” : “ Thực hiện dân chủ tới nơi tới chốn sẽ tước bỏ ngọn cờ dân chủ nhân quyền của những thế lực thù nghịch . Ngọn cờ đó phải thuộc về chúng ta..”.
- Khi cho rằng kẻ thù chung hiện nay là chậm tiến lạc hậu và ngu dốt, chúng ta đã phạm một lỗi lầm rất trầm trọng là chỉ đề cập đến hậu quả mà không nói đến nguyên nhân. Tại sao lại quên béng đi ( hay cố tình tảng lờ ? ) cái cội nguồn đã gây ra tình trạng chậm tiến, lạc hậu ,ngu dốt hiện nay tại Việt Nam mà ai ai cũng biết : đó làø đảng CSVN, đó là hậu quả của 50 năm cai trị miền Bắc, hơn 25 năm “ giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước ” ! Chúng ta cần phải nhớ đến cái nguyên tắc căn bản “chữa bệnh phải chữa tận gốc , giết rắn phải đập đầu ”, không ai giết rắn bằng cách đập đuôi;
và chữa bệnh theo triệu chứng thì khó mà dứt căn bệnh.
D- Hiện tượng im lặng trước những hành động bóp méo sự thật và bóp méo lịch sử.
Kể từ khi Nguyễn văn Linh ra lệnh “ cởi trói văn học ” trong nước vào thời điểm 1986, hàng loạt bài viết và sách vỡ của những người được mệnh danh là “ phản kháng và đấu tranh dân chủ ở trong nước ” cũng được tuôn ra hải ngoại theo thể thức tầm- ăn- dâu hay còn gọi là vết- dầu- loang hoặc gọi là hiện tượng xâm-thực thì cũng thế ! Lúc đầu thì nhẹ nhàng, theo thời gian liều lượng được gia tăng từng chút một, cho đến bây giờ thì ầm ầm như thác đổ.
Các bài viết và sách vỡ nói trên đã khôn khéo xử dụng việc chỉ trích, lên án các tệ trạng tham nhũng, cửa quyền, quan liêu của nhóm lãnh đạo đương quyền như là những cái DIỆN để dung chứa những sự kiện bóp méo sự thật, bóp méo lịch sử về ba ĐIỂM chính yếu : Hồ Chí Minh , đảng CSVN, và cuộc chiến Việt Nam.
Nhưng, thật đáng buồn và chua xót ! Các giới chức đang đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho Việt Nam hiện nay, hầu hết đều giữ thái độ im lặngï trước những điều bóp méo sự thật, bóp méo lịch sử về ba điểm chính yếu nói trên.
Thông thường, im lặng có ba ý nghĩa khác nhau :
- Khinh bỉ không bằng im lặng
- Im lặng là một cách phản đối
- Im lặng là biểu đồng tình
Không thể cho rằng thái độ im lặng nói trên ứng vào ý nghĩa khinh bĩ và phản đối; vì một số tổ chức đấu tranh đã công khai bày tỏ thái độ ngưỡng phục, ca tụng và biểu đồng tình với những người bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử như các ông Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Văn Trấn v.v ….. Chúng ta có thể kiểm chứng được, vì tài liệu liên quan đến vấn đề này hãy còn đó.
Cũng xin quí giới chức đấu tranh chủ trương kết hợp chớ vội chụp mũ cho những người lên tiếng như chúng tôi là “ làm mất đoàn kết, làm lợi cho CS , đánh phá những người đấu tranh dân chủ trong nước.”
Xin để cho chúng tôi lần lượt liệt kê những điều bóp méo sự thật, bóp méo lịch sử của những nhân vật CS kể trên, và cũng xin cho chúng tôi được có một đôi lời nhận định về hậu quả của kế hoạch bóp méo có tầm chiến lược dài hạn này.
Huyền thoại Hồ Chí Minh.
Kể từ khi nhận diện được bộ mặt thật của Hồ Chí Minh và đảng CS, những nạn nhân của CS, nạn nhân của Hồ Chí Minh đã lên tiếng, viết bài, viết sách, viết báo để lật mặt nạ Hồ Chí Minh, đánh đổ cái huyền thoại về con người tàn độc nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Hành vi vô tư cách hơn hết của con người tàn độc ấy, là chính đích thân họ Hồ đã tự tạo ra cái huyền thoại cho mình, tự mô tả mình là một con người yêu nước, nhân hậu, thông minh, khôn ngoan, hy sinh cả cuộc đời cho cách mạng, sống cần kiệm liêm chính, không màng đến sinh thú gia đình v. v…và v. v…. , những lời tự tâng bốc này cũng đã được toàn đảng CS phụ họa.
Góp phần trong công việc lật mặt nạ họ Hồ , phải nói đến tác phẩm “ Từ Thực Dân Đến Cộng Sản ” của cố Học giả Hoàng Văn Chí, trong đó vạch trần các thủ đoạn quỷ quyệt của chính danh thủ phạm đã phát động phong trào CCRĐ , một “ phong trào giết người ” ghê gớm có một không hai trong lịch sử Việt Nam; thủ phạm đó chính là Hồ Chí Minh. ( Nhưng tiếc thay, nhiều người vẫn chưa được đọc, cho nên các luận điệu đổ vấy cho Trường Chinh là thủ phạm của phong trào Cải Cách Ruộng Đất qua một số nhân vật CS như Nguyễn Văn Trấn, Vũ Thư Hiên… vẫn được chấp nhận bằng sự im lặng của những bậc thức giả. Đỗ cho Trường Chinh là thủ phạm của phong trào CCRĐ để làm gì, nếu không nhằm mục đích bênh vực và biện hộ cho Hồ Chí Minh ? Rõ ràng đây là một kế hoạch bóp méo sự thật, bóp méo lịch sử không thể chối cải !)
Một phong trào có tên là “ No Hồ ” cũng đã được phát động vào thời điểm tổ chức UNESCO của LHQ dự định vinh danh họ Hồ nhân sinh nhật thứ 100 của con cáo già này vào năm 1990. Phong trào “ No Hồ ” cực lực lên tiếng phản đối UNESCO , nhiều tài liệu về sự dối trá của Hồ Chí Minh được đưa ra ánh sáng. Cùng lúc đó, sự phá sản của CS quốc tế và phong trào vùng lên đòi tự do dân chủ, ném bỏ chủ thuyết CS vào thùng rác lịch sử năm 1989 tại Đông Âu, đã khiến cho UNESCO đành phải dẹp bõ buổi vinh danh họ Hồ !
Tuy nhiên, hiện nay CS Hà Nội vẫn không ngừng đánh bóng huyền thoại Hồ Chí Minh. Họ Hồ được tiếp tục tô son trát phấn bằng đủ mọi cách thức, mọi thủ đoạn , như xử dụng các cơ quan tuyên truyền chính thức của đảng và nhà nước , lợi dụng các thành phần thiên tả của truyền thông ngoại quốc v.v.. Một điều đáng lưu ý, hiệân nay một phương pháp rất tinh vi và rất có hiệu quả để đánh bóng huyền thoại Hồ Chí Minh đang được áp dụng tại hải ngoại, đó là phương pháp xử dụng tiếng nói của những người mệnh danh là ly khai, chống đảng.
Vậy, ta hãy xem, những người ly khai chống đảng đã đánh bóng Hồ Chí Minh như thế nào ?
Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ viết rằng :
- Hồ Chí Minh đã thành nhân vật lịch sử của Dân tộc và của thế giới. Tốt nhất không nên coi Hồ Chí Minh là thủ lĩnh, hay thần tượng, hay kẻ thù, của anh, của tôi nữa …
Cuộc đời của Chủ Tịch đã để dấu ấn khắp nơi, tôi có nói thêm, anh có nói bớt cũng không được.
- Về phần tôi, tất cả những ý kiến đã trình bày và sẽ trình bày trong bài viết này về ý Thức hệ vô sản, về tình hình đất nước cũng đã là lời bàn về nhân vật lịch sử số 1 ấy rồi. Đây chỉ là mấy lời bàn thêm :
*/ Cụ Hồ thuộc những nhà Nho yêu nước lớn của Việt Nam, là một người Việt Nam điển hình của thế kỷ 20, tài giỏi về nhiều mặt. Sự gặp gỡ của Hồ Chí Minh với phong trào Cộng sản là biến cố bao trùm cuộc đời của Cụ , và do đó đã góp phần quyết định chiều hướng phát triển của ngót một thế kỷ đầy biến cố lớn lao của lịch sử Việt Nam.
*/ Nương theo trào lưu CS đang tràn dâng trên thế giới để đánh thức và tập họp sức sống của một cộng đồng dân tộc, làm cuộc khởi nghĩa Tháng Tám thành công và sau đó là chín năm trường kỳ kháng chiến thắng lợi, đem lại khuôn mặt mới và khí thế mới cho nước Việt Nam từ nô lệ và nghèo đói là một sự nghiệp thần kỳ.
*/ Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong một sự nghiệp lớn, nhưng lại không thành công trong một sự nghiệp lớn hơn, bao quát hơn. Xét về nguyên nhân chủ quan,ta thấy những thành công đều gắn với bản chất thông minh và nhân hậu, ý chí kiên cường và đặc biệt khôn ngoan khi xử lý tình huống, khả năng lợi dụng tình hình và thời cơ, tận dụng những nhân tố có sẵn từ bên trong và bên ngoài thành sức mạnh tổng hợp để đạt được mục tiêu.
( trích trong Chia Tay Ý Thức Hệ )
Nguyễn Văn Trấn viết rằng :
- Luân thường.
Để cho có người này nói, người nọ nói, chúng ta nghe nhà trí thức nguyễn Thanh Giang nói, trong thơ anh gởi Đảng.
“…..ý chí đấu tranh cho tự do, dân chủ, công bằng của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc mãi mãi được nhân loại biểu dương và được tôn vinh trong lòng tôi. Tuyên ngôn về nhân quyền và công dân quyền của cách mạng Pháp 1789 được trích dẫn ngay trong dòng đấu Tuyên ngôn độc lập của nước ta. “ Người ta sinh ra bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi ”.
Từ đấy trên đầu mỗi trang giấy, bên dưới dòng chữ Việt Nam – Dân Chủ – Cộng Hòa bao giờ cũng viết Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc : chúng ta luôn suy tôn tự do trước hạnh phúc bởi vì chúng ta hiểu rằng không thể có hạnh phúc khi thiếu tự do và có tự do là đã có một phần hạnh phúc rồi.
Khát vọng truyền thống này của nhân dân Việt Nam rất phù hợp với tinh thần đề cao quyền chính trị, dân sự và quyền tự do cá nhân trong tuyên bố nhân quyền Vienne 1993”
Bạn trên kệ gọi :
- Lại đây tôi nói cho cái này.
Tôi coi lại đứa nào kêu. À ! Fondements de la Metaphysique des moeurs…E.Kant
Tôi hỏi. Nó nói :
- Anh đang viết về người đã chết đáng tôn vinh, thì tôi cũng nên coi người ta đề trên mộ của Kant, chính bằng lời nói của ông ta :
“ Hai vật làm tràn ngập tâm hồn bằng một sự ngưỡng mộ và một sự kính trọng tái hiện hoài : trên đầu tôi một vòm trời sao sáng, trong lòng tôi là luân thường .”
Tôi bồi hồi nhớ lại.
Năm 1941, ngày 8 tháng Hai, ông Hồ Chí Minh về tổ quốc , ngày 1 tháng 8,ông cho ra tờ báo Việt Nam độc lập, được viết tắt là Việt Lập. Ông đã viết, mục đích của tờ báo ấy là :
“ Cốt làm sao cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam bình đẳng, tự do.”
( lấy trong Việt Nam, những dữ kiện lịch sử )
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, xây dựng trên những nguyên tắc :
3- Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái ,trai, giai cấp, tôn giáo.
4- Đãm bảo các quyền tự do dân chủ
5- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Tôi nghe thằng bạn mà khắc lên nắp mồ của Hồ Chí Minh, chôn trong lòng tôi câu : “người ấy có luân thường ” ( tr. 339,340,341 Viết Cho Mẹ và Quốc Hội )
………..
Bạn ta dẫn dắt ta đi tới luân thường và ý chí của người có lý trí, để có tôn vinh cụ Hồ thì tôn vinh cho đúng mức, chớ không mưu toan tạo ra một nghệ thuật ca ngơi lông bông cái tài cao lãnh đạo của đảng, của Bác Hồ cho tội nghiệp Ông ( tr. 344 VCMVQH)
**
Bắt đầu nói, tôi nói lòng ái mộ của mấy má miền Nam đối với Nguyễn Ái Quốc mà hỏi Hồ Chí Minh là “ thằng cha ” nào. Hội trường xôn xao. Tôi gở lại liền. Khi nghe biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc thì đồng bào vui mừng xôn xao như sông Mékong nổi sóng khi trăng lên gió thỗi. Rồi tôi nói mấy đứa Gavroche của Sàigòn mà Tây bắt được là cắt một miếng rái tai. Ở bót Phú Nhuận ngày kia nó lượm được ba em với vành tai bị thẽo ấy. Đem về bót, xép bót lấy tấm hình Hồ Chí Minh để dưới gạch, trên đường đi vào khám. Nó nói đứa nào bước qua tấm hình thì nó cho đi luôn ra đường, đưa nào không bước qua hình là đi thẳng vào khám. Em thứ nhứt đi tới tấm hình đưa tay lên chào và đi vào khám. Em thứ hai cũng tới đứng như vậy rồi hô Hồ Chí Minh muôn năm và đi vào khám. Hai đứa đứng ở cửa chờ bạn. Thằng thứ ba đi tới tấm hỉnh mà có hơi ngần ngừ, coi phải làm gì. Hai thằng kia đã làm vậy mà mình làm theo thỉ dở quá. Nó vụt cúi xuống lấy tấm hình đội lên đấu, một tay giữ rồi chạy đến với hai thằng kia mà vào khám. Tôi quay mặt ra phía sau – hàng ghế chủ tịch đoàn – thấy Hoàng Quốc Việt ngồi cạnh ông Hồ, nước mắt lã chã. ( VCMVQH, tr.161,162 )
Ngoài hành động “ đội Hồ Chí Minh lên đầu ” như trên đây, ông Trấn còn viết nhiều điều nữa để ca tụng Hồ Chí Minh, gọi họ Hồ bằng Cha ….trong quyển Viết Cho Mẹ và Quố c Hội, không thể trích hết.
Trần Độ viết rằng :
” Chúng ta phải lưu tâm học tập Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trọng các giá trị dân chủ của nhân loại.. Chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ như bác Hồ đã suy nghĩ về vấn đề thực thi dân chủ ở nước ta ngày nay…”
Còn rất nhiều những sách vở bài viết, những câu chuyện ca tụng Hồ Chí Minh của những người “ chống đảng, ly khai ” mà chúng tôi không thể liệt kê ra hết trong phạm vi của bài viết này. Đến đây, chỉ xin quí vị vui lòng suy nghĩ , những lời lẽ của các ông Hà Sĩ Phu, Nguyễn Văn Trấn và Trần Độ viết ở trên là những lời chống đối hay đánh bóng Hồ Chí Minh ?
Huyền thoại đảng CSVN
Song song với huyền thoại của họ Hồ, những người CS “ chống đảng, ly khai ” cũng phát biểu về cái đảng của họ.
Trần Độ viết rằng :
” Lịch sử đảng CSVN là một lịch sử thắng lợi vẻ vang. Nhưng không phải chỉ có thắng lợi vẻ vang, mà có những lúc, những việc, gây tổn thất và đau xót trong Đảng và nhất là trong nhân dân. Có những sự kiện mà có lẽ hàng trăm năm sau những nhà làm sử sẽ đánh giá lại. Khoảng cách thời gian có thể cho ta cái nhìn khách quan hơn và đúng đắn hơn. Không thể nóng vội hơn được. Nhưng không thể vì thế mà đi đến chổ coi đảng Công sản chỉ là một lực lượng tàn bạo, chỉ có đàn áp và làm hại nhân dân, làm hại dân tộc, cần phải đánh đổ và thay bằng lực lượng khác.Cách nhìn nhận như thế là của những đầu óc thù địch, thiên lệch, không thể chấp nhận được. Thực tế hiện nay không có lực lượng nào thay thế được đảng Cộng sản. Lịch sử của Đảng gắn liền với lịch sử của dân tộc. Ai nhìn lịch sử dân tộc mà tách khỏi lịch sử đảng Cộng sản là không được.”
Nguyễn Trung Trực viết rằng :
” Đảng ta, do bác Hồ sáng lập và rèn luyện đã có công lao vô cùng to lớn trong thời kỳ trước cách mạng và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong suốt tiến trình lịch sử 45 năm đó, 1930-1975, Đảng đã đưa dân tộc ta từ một dân tộc nô lệ lầm than không có tên trên bản đồ thế giới, trở thành một dân tộc anh hùng, một thời là “ lương tâm của loài người, lương tri của thời đại .” Có được thành quả kỳ diệu đó, chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại, bằng đạo đức trong sáng, mẫu mực của mình đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng với danh hiệu của người CS chân chính, làm cho Đảng trở thành nguyên nhân của mọi thắng lợi của dân tộc Việt Nam .”
Qua những lời lẽ như trên, cũng xin hỏi đó có phải là những lời chống đảng hay đánh bóng đảng ?
Chiến tranh Việt Nam
Một nhà văn CS được hải ngoại nói đến khá nhiều là ông Vũ Thư Hiên với quyển sách Đêm Giữa Ban Ngày. Ngay ở trang 16, ông Vũ Thư Hiên đã đề cập đến nguyên nhân của cuộc chiến Việt Nam , ông viết như sau :
” Cuộc xung đột vũ trang của dân chúng miền Nam chống lại chính quyền Sàigòn bắt đầu bằng những trận đánh lẻ tẻ từ đầu thập niên 60, được Hà Nội khuyến khích và yễm trợ, đã mau chóng lớn lên thành nội chiến.
Người Mỹ nhảy vào, biến nó thành chiến tranh Việt Mỹ, thành cuộc đối đầu giữa hai phe cộng sản và tư bản thế giới…..”
Đây là một điều hoàn toàn trái với sự thật, hay nói cách khác, sự thật đã bị bóp méo và bị xuyên tạc hoàn toàn, một cách quá rõ ràng , nếu không muốn nói là trắng trợn !
Một điều đau lòng, là sự bóp méo và xuyên tạc lịch sử nói trên đã không gặp phải một phản ứng nào đáng kể của người Việt quốc gia. Các sử gia, các bậc trí thức, những chính trị gia Việt Nam hải ngoại…. tóm lại là những ngưòi đã biết quá rõ nguyên nhân của chiến tranh Việt Nam, nói cho rõ ràng hơn, đó chính là cái xương sống, cái cốt tủy, cái nguyên ủy của cuộc chiến, đó là lý do tại sao lại có sự hiện diện của các vị ấy tại hải ngoại, là lý do giải thích sự lưu lạc của ba triệu người Việt trên khắp thế giới hiện nay ; nhưng tất cả các vị ấy đều giữ im lặng. Một sự im lặng mà “ nhân gian không thể hiểu ”!
Càng thê thảm hơn nữa, các vị ấy một mặt thì giữ im lặng về việc bóp méo sự thật , một mặt lại không tiếc lời ca tụng tác giả của những dòng chữ bóp méo sự thật vô cùng trắng trợn như kể trên !!
Và, cho tới nay, chỉ có một người duy nhất lên tiếng, đó là ông Nguyễn Văn Chức, cựu Thượng Nghị Sĩ Việt Nam Cộng Hoà. Ông Chức gọi đó là một sự sai lầm thô bạo, trong bài viết có tựa đề “ Nguyễn Văn Chức đọc Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên .”
Thiết tưởng một con yén không làm nổi mùa Xuân ! Một tiếng nói của ông Chức chỉ là một tiếng kêu bị mất hút trong sa mạc. Cần phải có sự tham gia của nhiều người hơn nữa trong công việc vạch trần sự gian dối và trả lại sự thật cho lịch sử ! Nhất định không để cho trung tâm WJC dựa vào những dữ kiện bị bóp méo và thái độ im lặng của người Việt hải ngoại để “ tái xây dựng lại bản sắc ” của cộng đồng tị nạn chúng ta .
( Trong tinh thần làm sáng tỏ những dữ kiện lịch sử bị bóp méo và để tiếp tay với ông Nguyễn Văn Chức, chúng tôi có viết một bài với tựa đề : Trả Lại Sự Thật Cho Lịch Sử , trong đó phân tích những dữ kiện lịch sử sai lạc do Vũ Thư Hiên viết ra ).
E- Hình thức văn hóa vận trên mặt nổi
Gần đây nhất, vào tháng 2 năm 2001, CSVN chính thức xác nhận việc đưa đoàn văn công sang Hoa Kỳ lưu diễn với sự hợp tác của những người thuộc thành phần tị nạn CS trước đây. Những người đứng ra tổ chức các buổi trình diễn của văn công CS không phủ nhận mình là những người tị nạn, nhưng cho rằng bây giờ thì họ làm ăn với CSVN chỉ vì nghề nghiệp kiếm sống, chứ không dính dáng đến chính trị.
Hình thức văn công trình diễn không phải mới xảy ra. Trước đây, các đoàn văn công của CSVN cũng đã từng tìm cách trình diễn trong các cộng đồng tị nạn, nhưng những người tổ chức không chính thức ra mặt thách thức cộng đồng như hiện nay. Hiện tượng hợp tác với CSVN như hiện nay này sẽ được CS xử dụng như là một minh chứng cho sự đổi thay bản sắc của cộng đồng tị nạn. Đây chính là sách lược hòa nhập để hòa tan qua hình thức văn nghệ, bằng cách xử dụng những bản nhạc quen thuộc của miền Nam trước năm 75 và các bản nhạc tình cảm được ưa chuộng hiện nay tại Việt Nam.
Nói chung, đối tượng mà CS nhắm vào là giới trẻ Việt Nam được xuất ngoại vào thời gian sau này như các em thuộc diện HO, là những thanh thiếu niên đã từng ái mộ các ca sĩ Việt Nam thuộc thế hệ trẻ tuổi khi các em còn ở trong nước ; thành phần thứ hai là các du học sinh, con cháu các cán bộ ngoại giao của CSVN đang tùng sự tại hải ngoại.
Trong các cuộc lưu diễn vừa qua, các khán giả tham dự hấu hết thuộc hai thành phần vừa kể. Và chỉ cần một vài hình ảnh về các buổi trình diễn với sự tham dự của hai thành phần như trên , dự án Tái Xây Dựng Bản Sắc có thể chứng minh được bản sắc tị nạn hiện nay đã thay đổi.
Ngoài ra, còn phải kể đến thành phần “ nhân công xuất khẩu ” hiện nay của Hà Nội và thành phần “ lao nô ” mà CSVN dùng để trả nợ cho các nước CS Đông Âu đàn anh trước đây. Sau khi CS Đông Âu sụp đổ, nhiều người đã ở lại không về nước. Một số được chấp nhận dưới diện tị nạn chính trị, nhưng khi có những sinh hoạt văn nghệ do CSVN tổ chức, họ vẫn tiếp tục hưởng ứng nồng nhiệt.
Đây là một thành phần hoàn toàn khác biệt với thành phần tị nạn CS tại các nước Âu Châu, nhưng hiện nay, vì nhiều lý do chính trị tế nhị, không thể ấn định một lằn ranh rõ rệt giữa những người tị nạn CS và những đồng bào nói trên. Vì thế, chúng ta cũng sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi tình trạng mờ ảo này được khai thác triệt- đễ, để chứng minh về một bản sắc hoàn toàn khác biệt với bản sắc tị nạn.
III- Kết luận
Để kết thúc , chúng tôi xin trích một vài đoạn trong bài viết vào đầu năm 2001 của ông Minh Võ tại miền Nam California, có tựa đề “ Nỗi Niềm Chua Xót Khi Đọc Cuốn Sách Nhỏ After The War Was Over của Neil Sheehan ” .
- Tôi viết bài này trong lúc thấy đăng đắng trong họng và cay cay ở trong mắt. Và lòng tôi cảm thấy chua xót cho những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa truớc đây đã từng chiến đấu anh dũng, gia đình họ hy sinh gian khổ cả đời, để bảo vệ miền Nam tự do trước 1975. Nhờ có họ mà thường dân được yên ổn làm ăn và giới trí thức thành thị được tự do phát biểu, tự do đấu tranh vì công bằng xã hội, tự do biểu tình xuống đường chống đối chính quyền, và thậm chí có người lợi dụng cả tự do để bênh vực cộng sản. Nỗi chua xót đó thấm sâu qua 130 trang sách của cuốn “ After The War Was Over ” của Neil Sheehan mà tôi vừa đọc xong.
Ông Minh Võ sau đó đã liệt kê ra những dữ kiện bóp méo sự thật và bóp méo lịch sử trong cuốn sách mà tác giả Neil Sheehan đã xử dụng để biện hộ cho CSVN , đồng thời cũng để mạt sát chiến sĩ QLVNCH và giới lãnh đạo miền Nam.
Ông Minh Võ viết tiếp :
- Và chua xót hơn nữa là trong khi sách báo bằng ngoại ngữ ca tụng Hồ Chí Minh và đảng CSVN, ca tụng chiến thắng của cộng đảng, thì những vị tiến sĩ, những nhà sử học, và hàng trí thức của chúng ta tuy có hàng ngàn, vẫn không sao cho ra đời được một tác phẫm lịch sữ Việt Nam đứng đắn bằng ngoại ngữ để cải chính tất cả những gì CS đã huênh hoang, phô trương trước dư luận thế giới.
Ông Minh Võ cũng đề nghị vài ý kiến thiết thực để đối phó và cuối cùng ông kết luận :
- Tắt một lời, theo thiển ý, nếu không đánh đổ được huyền thoại Hồ Chí Minh và huyền thoại cộng đảng dành độc lập, thống nhất cho tổ quốc, thì tất cả những cố gắng của người Việt quốc gia hải ngoại chỉ là những cố gắng vô vọng.
Quả thật vậy !
Tất cả những cố gắng của người Việt quốc gia hải ngoại chỉ là những cố gắng vô vọng, nếu huyền thoại Hồ Chí Minh vẫn được tiếp tục đánh bóng như hiện nay, nếu huyền thoại cộng đảng dành độc lập thống nhất cho tổ quốc vẫn được lặp đi lặp lại như hiện nay; và nhất là, nếu những sự kiện bóp méo lịch sử , xuyên tạc sự thật vẫn được phổ biến như hiện nay….
một cách ngang nhiên !
một cách thách thức !
không bị phản bác!
không có một lời đính chính của người Việt quốc gia, mà chỉ có một sự im lặng !
Đây là một sự im lặng bằng vàng đối với CSVN, vì nó đáp ứng đúng cái mục tiêu chiến lược dài hạn mà CSVN muốn đạt tới : sự thật bị bóp méo , lịch sử bị bóp méo, đám mây mù trong bầu trời lịch sử không bao giờ được quét sạch, cái bản sắc của cộng đồng Việt Nam tị nạn tại hải ngoại bị xuyên tạc, bị bôi nhọ, để rồi chính con em của chúng ta sẽ lên án chúng ta – những người tị nạn CS – chỉ là một lũ tha phương cầu thực.
Tai hại hơn nữa, những sự “ Bóp Méo” này lại được ghi xuống như là những “ Sự Thật ” trong các đề án nghiên cứu của các viện đại học có uy tín của Hoa Kỳ, được lưu trữ tại các thư viện Hoa Kỳ, được dùng làm tài liệu giáo dục tại các trường học Hoa Kỳ; trong khi những nhân chứng – những nạn nhân của CS – lại tự biến mình thành những cái xác vô hồn, dù hãy còn đang thở !
Hãy cùng nhau bắt tay vào việc để hóa giãi âm mưu Tái Xây Dựng Bản Sắc nói trên , cho chính chúng ta cũng như cho các thế hệ mai sau, bằng cách vạch trần và minh xác những sự kiện lịch sử bị bóp méo bởi những người Cộng Sản.

Phan Kim Điện.
Mùa Xuân Năm Tân Tỵ.
Tháng Ba năm 2001.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất